Tiêu đề của website

Thôi rồi, Nguyễn Đăng Khúc!

Vậy là một tên tuổi nữa của làng bóng chuyền Việt Nam đã vĩnh viễn chia tay chúng ta, đó là kiện tướng Nguyễn Đăng Khúc, nguyên thành viên Trường Huấn luyện TDTT TW, ĐTQG và CLB Bưu điện Hà Nội. Mới đó mà đã 48 năm, kể từ ngày chúng tôi quen nhau, quý mến nhau, vậy mà hôm nay tôi ngồi đây viết mấy dòng về danh thủ một thời trước khi gia đình và bè bạn sẽ đưa anh về cõi…


Vậy là một tên tuổi nữa của làng bóng chuyền Việt Nam đã vĩnh viễn chia tay chúng ta, đó là kiện tướng Nguyễn Đăng Khúc, nguyên thành viên BC Trường Huấn luyện TDTT TW, ĐTQG và CLB Bưu điện Hà Nội. Mới đó mà đã 48 năm, kể từ ngày chúng tôi quen nhau, quý mến nhau, vậy mà hôm nay tôi ngồi đây viết mấy dòng về danh thủ một thời trước khi gia đình và bè bạn sẽ đưa anh về cõi…

Năm 1967, lần đầu tiên được lên tuyển và tập trung ở Nhổn trước chuyến đi xa, vì yêu BC nên tôi có cơ duyên quen biết hai đội nam nữ Việt Nam, trong đó có chàng trai gốc Hà Nội này. Nguyễn Đăng Khúc có dáng thư sinh, anh thuộc diện đẹp trai nhỏ nhẹ trong giới thế thao và ở THL trước tôi hai năm. Tại Thượng Hải, Nguyễn Đăng Khúc thuộc nhóm ít tuổi hơn trong ĐTVN nên anh được bố trí chơi trong đội hình II cùng các bạn Vượng (Thể Công), Cáp, Hòe (Công an Vũ trang), Hùng “sếu” (THL) và một trong số các VĐV thuộc đội I, gồm Uyển, Phụng, Tín, Dũng, Sơn, Giang, Tư và Khoa. Nguyễn Đăng Khúc sống chan hòa, anh là bí thư chi đoàn của đội BC nam, thường họp hành và phát biểu sôi nổi, lại có vóc dáng thanh lịch nên vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 trên đất bạn, đoàn TTVN có dàn dựng một chương trình văn nghệ, màn hoạt cảnh mở đầu có hai tuyển thủ BC vào vai trí thức là Khúc và Uyển. Chính tại môi trường ấy, anh Khúc đã gặp gỡ người bí thư chi đoàn của đội nữ và sau này, họ đã nên vợ nên chồng.

Ông Nguyễn Đắc Khúc và những phút giây bên gia đình.

Nguyễn Đăng Khúc có bản hồ sơ đáng tự hào trên sân BC. Sau khi lớp cầu thủ lớn tuổi hơn ở THL nghỉ đấu, anh trở thành một nhân vật quan trọng trên sân bóng. Khi trở về Bưu điện Hà Nội sau khi THL giải thể, Nguyễn Đăng Khúc đã sống những năm tháng thật đẹp và đáng tự hào trong gia đình của BC Bưu điện Hà Nội, ngôi nhà ấy có các HLV Đạo và các VĐV cừ như Quyền, Vĩnh, Thanh, Hưng, Hùng, Bắc, Tất …và BĐHN từng là đối trọng số 1 với Thể Công một thời lừng lẫy.

Nguyễn Đăng Khúc chơi bóng, hơn là đánh bóng. Anh không có những quả đập búa bổ như người khác, chẳng ồn ào trên sân và cũng không hề gấp gáp căng cứng mỗi khi đội nhà gặp khó, trái lại, đó là cái nhẹ nhõm, lịch lãm và tinh tế khi xử lí trái bóng, là khả năng bao quát, là kỹ thuật đánh bóng lách qua tay chắn, là lối bám chắn cừ khôi cùng với những quyết đoán về chiến lược khi cần thiết. Đó là phẩm chất của một danh thủ. Ngày đó, BĐHN có một nhóm cầu thủ tài năng và lại được ra sân trong một sơ đồ hoàn hảo: cặp Nguyễn Đăng Khúc-Tăng Tự Hưng đối nhau với cặp Nguyễn Mạnh Hùng – Đào Văn Bắc. Sự luân chuyển so le này đã từng là nỗi lo lắng và cả sự điêu đứng cho nhiều CLB hàng đầu của BCVN hồi ấy. Thời đó, ở Hà Nội cũng có mấy CLB khác khá mạnh mẽ, song đúng vào thời bao cấp gian nan, chủ trương xã hội hóa TDTT còn ở dạng manh nha nên BĐHN gặp không ít khó khăn về mọi mặt, từ cơ sở vật chất cho đến chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, đại gia đình lớn này đã biết đoàn kết và thương yêu nhau, biết vượt qua hết khó khăn này tới thách thức khác để tồn tại và trở thành một thế lực của BCVN. Họ mạnh mẽ và đủ khôn ngoan đến mức từng bị xử ép đến mức vô lí trong một trận đấu không thể nào quên trên sân Hòn Gai vào năm 1979.

Để phá vỡ bước một của đối phương, BĐHN đã nghiên cứu kỹ lưỡng và đi đến một kết luận độc đáo: toàn đội tập trung tập phát bóng, từ lối câu bóng cao cho đến kiểu phát cực ngắn có điểm rơi cố định, bao giờ cũng nhằm vào phụ công lợi hại song yếu bước một nhất của đối phương và một trong những người thực hiện thành công chiêu này nhất chính là Nguyễn Đăng Khúc. Trớ trêu thay, BTC tìm mọi cách ngăn cản chiến thắng của anh và đồng đội, đến mức ra lệnh cấm BĐHN phát bóng theo lối ấy với lý do sẽ ảnh hưởng đến dàn đèn (!). Trận đấu phải dừng lại tới 2 lần, đội trưởng Nguyễn Đăng Khúc phản đối và cực chẳng đã, sau khi thống nhất ý kiến với cả tập thể, anh Khúc ra bàn BTC kí vào biên bản bỏ cuộc, tuy nhiên HLV Đạo đã tiến lên kí thay học trò, sau này được biết ông làm vậy để giữ cho học trò trước bản án kỉ luật nào đó nếu BTC dành cho người đội trưởng gương mẫu của BĐHN. Và sau này, khi không có bản án nào được đưa ra, giới BC có thêm một giai thoại, một bài học nữa về tinh thần thi đấu và về cách thực vận hành luật lệ ở môn chơi ấy. Sau khi cống hiến hết sức mình trong cả vai trò cầu thủ rồi chuyển qua làm HLV ở CLB cũ, Nguyễn Đăng Khúc còn có công khi dìu dắt các cầu thủ của CLB Công an Vĩnh Phúc ngay khi mới thành lập và hôm nay, các học trò của anh đã trưởng thành và đã có chố đứng trong bản đồ BCVN.

Nguyễn Đăng Khúc đã có một gia đình hạnh phúc, một gia đình thể thao tiêu biểu. Chị Liên vợ anh vừa là người bạn đời vừa là đồng chí, đồng môn trong lò BC của THL một thuở hiển hách. Hoàng Kim Liên là một tên tuổi của BCVN, chị có công lớn trong bảng vàng thành tích của BCVN trong quá trình xây dựng và phát triển, và hai vợ chồng danh thủ BC này cũng để lại cho sân bóng của chúng ta một người con trai tuyệt vời, đó là tay chuyền hai xuất sắc Nguyễn Tuấn Kiệt. Anh đã không hổ danh là giọt máu của hai danh thủ BCVN một thời với lối chuyền tinh quái cùng những quả tấn công ngay từ bước 2 uy lực. Nguyễn Đăng Khúc ơi, anh ra đi đột ngột quá, đến nỗi tôi là người đồng tuế cũng ngạc nhiên, như bao bạn bè ngạc nhiên thương xót, nhưng tôi tin rằng ở đó, anh sẽ gặp lại những đồng đội năm xưa của mình như các anh Uyển, Dũng, Sơn, Đạo…vâng, ở nơi đó, rồi các anh sẽ gặp lại nhau.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều