Tiêu đề của website

Những bản hợp đồng “thòng lọng”.

Sau một thời gian dài cống hiến, nhiều VĐV rơi vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí đối mặt với nguy cơ phải giã từ sự nghiệp sớm vì những điều khoản “thòng lọng” trong hợp đồng đã ký với đơn vị quản lý cũ.


Sau một thời gian dài cống hiến, nhiều VĐV rơi vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí đối mặt với nguy cơ phải giã từ sự nghiệp sớm vì những điều khoản “thòng lọng” trong hợp đồng đã ký với đơn vị quản lý cũ.

Hợp đồng giữa VĐV bóng chuyền Nguyễn Hữu Hà (34 tuổi) với CLB Đức Long Gia Lai sẽ hết hạn vào cuối năm 2015. Vì muốn có điều kiện chăm sóc gia đình nên Hữu Hà quyết định chia tay CLB sớm một năm. Ngặt nỗi, biên bản thanh lý hợp đồng ký ngày 25-12-2014 lại có điều khoản: “Sau khi thanh lý hợp đồng VĐV Nguyễn Hữu Hà tự nguyện cam kết giải nghệ, không tham gia thi đấu cho bất kỳ đội bóng chuyền nào trong nước cũng như nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào”.

Chủ công Nguyễn Hữu Hà và bản hợp đồng "thòng lọng".

Chia sẻ về điều khoản lạ lùng này, Hữu Hà nói: “Trước khi ký, tôi có thấy điều khoản này nhưng HLV Bùi Quang Ngọc của CLB Đức Long Gia Lai bảo cứ ký rồi tính sau. Tôi tin mình cống hiến cho CLB suốt bốn năm qua sẽ không bị đối xử tệ, nhưng không ngờ người ta đẩy tôi đến gần nguy cơ giải nghệ”.

Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, HLV Bùi Quang Ngọc cho biết: “Tôi không liên quan cũng không có mặt trong bất cứ lần ký hợp đồng nào của Hữu Hà với CLB Đức Long Gia Lai. Hữu Hà nói tôi bảo anh ta ký đại là không đúng sự thật”.

Thật khó phân định phải quấy nhưng rõ ràng là “bút sa... gà chết”. Hữu Hà đề nghị bồi thường gần 400 triệu đồng cho Đức Long Gia Lai để xin thi đấu thêm hai năm nhưng vẫn chưa được. Mới đây, Hữu Hà - vốn là đội trưởng tuyển bóng chuyền nam VN - lại được Tổng cục TDTT triệu tập chuẩn bị SEA Games 2015.

HLV tuyển VN Lê Hồng Hảo nhận xét: “Về chuyên môn, Hữu Hà vẫn là nòng cốt tuyển VN. Vai trò của anh càng quan trọng bởi đội tuyển lần này gồm nhiều VĐV trẻ còn non kinh nghiệm quốc tế”. Tuy nhiên, Hữu Hà nói: “Có lẽ tôi là tuyển thủ bóng chuyền VN duy nhất đang thất nghiệp vì vướng hợp đồng với CLB cũ. Tôi sẽ cố hết sức nhưng chắc chắn phong độ sẽ bị ảnh hưởng bởi ngồi chơi xơi nước quá lâu. Sau SEA Games 2015 chắc tôi giã từ sự nghiệp”.

Câu chuyện cũng tương tự với bốn VĐV đội xe đạp Đồng Tháp (một nam và ba nữ) cũng vướng những điều khoản lạ lùng trong hợp đồng với Trường Năng khiếu TDTT Đồng Tháp. Cụ thể, bản hợp đồng này có điều khoản: “Khi hết hợp đồng mà VĐV còn khả năng phát triển về chuyên môn và khả năng thi đấu đạt thành tích cao, VĐV phải ký hợp đồng tiếp tục khi có sự yêu cầu của Trường Năng khiếu TDTT để phục vụ cho ngành TDTT Đồng Tháp vì thành tích danh dự quê hương tỉnh nhà. Nếu VĐV không đồng ý ký hợp đồng tiếp tục thì phải đảm bảo không ký hợp đồng tập luyện, thi đấu thể thao cho bất cứ đơn vị tỉnh, thành, ngành nào khác...”.

Tay đua Phạm Thị Kim Loan (cựu tuyển thủ VN) của Đồng Tháp cho biết: “Tôi đã cống hiến suốt 10 năm và mang về không ít thành tích cho xe đạp Đồng Tháp. Giờ tôi đã 25 tuổi, hợp đồng với Đồng Tháp cũng hết hạn từ tháng 11-2014, nên tôi có nguyện vọng chuyển sang đội TP.HCM để vừa được chơi xe đạp và lo cuộc sống vừa có cơ hội học nghề chuẩn bị tương lai đời hậu VĐV. Nghề VĐV vốn gian khổ, đối với nữ cuarơ thì càng khó khăn hơn. Nhưng tôi lại vướng điều khoản “thòng lọng” trong hợp đồng cũ nên rất khổ tâm”.

Ông Phạm Duy Tiến - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Tháp - cho biết: “Sở không có chủ trương “trói” VĐV bằng những điều khoản trên. Có lẽ nó tồn tại trong mẫu hợp đồng cũ, xuất phát từ giai đoạn lịch sử trước đây chưa được cập nhật”. Sau cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, phía Đồng Tháp đã đồng ý chấm dứt hợp đồng với những VĐV này. Nhưng nếu tương lai họ tiếp tục đặt bút ký những bản hợp đồng tương tự, sẽ ở thế “cầm dao đằng lưỡi”.

Tại TP.HCM, một VĐV đang là tuyển thủ quốc gia từng có ý định tìm thử thách ở môi trường khác nhưng “vỡ mộng” và ngoan ngoãn ở lại vì sợ bị cấm thi đấu ít nhất hai năm. Bản hợp đồng lao động VĐV này không quy định VĐV không được đầu quân nơi khác, nhưng cũng rất khó ra đi vì điều khoản chung chung như phải trả nợ “công đào tạo” dù VĐV này đã có chục năm cống hiến.

VĐV có thể yêu cầu hủy những điều khoản sai luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những điều khoản ràng buộc VĐV trong hợp đồng lao động, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - khẳng định: “Các điều khoản này không đúng luật vì đi ngược nguyên tắc hợp đồng lao động là phải tự nguyện thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động về việc làm có trả công. Nguyên tắc của pháp luật trong trường hợp bên mạnh thế (trường hợp này là bên sử dụng lao động) đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi cho bên yếu thế (người lao động) thì khi giải thích các giao dịch này phải giải thích theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Nếu các VĐV yêu cầu pháp luật can thiệp thì những điều khoản này hoàn toàn có thể bị hủy”.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều