Tiêu đề của website

Chuyện “Tượng đài” bóng chuyền Việt Nam Lê Hồng Huy : 2 chức vô địch ,17 năm và niềm đam mê bất tận.

Dù chỉ thuộc diện tăng cường song cây chuyền hai 41 tuổi này vẫn lập công lớn  trong chức vô địch quốc gia  của Thể Công Binh Đoàn 15.


Dù chỉ thuộc diện tăng cường song cây chuyền hai 41 tuổi này vẫn lập công lớn  trong chức vô địch quốc gia  của Thể Công Binh Đoàn 15. Thành quả với riêng anh còn vô cùng ngọt ngào bởi đó là lần đăng quang thứ 2, sau  một khoảng thời gian dài kỷ lục mà nếu không có một niềm đam mê và sự bền bỉ hiếm có sẽ không thể đạt được: 17 năm.

Hồng Huy đã giành được ngôi Quán quân quốc gia đầu tiên cùng câu lạc bộ ruột  Công an TP.HCM từ mãi mùa giải 1997. Khi ấy, ở tuổi 24, anh là chuyền hai vào loại hay nhất nước, trụ cột sáng giá của đội bóng, bên cạnh rất nhiều hảo thủ. Giới chuyên môn cùng người hâm mộ đều tin tưởng đội bóng ngành công an sẽ giữ vững vị trí thế lực hàng đầu, còn riêng Huy sẽ trở thành một ngôi sao hạng nhất.

Tuy nhiên trong hai điều ấy chỉ có dự báo về Huy là hoàn toàn chính xác. Tài năng của anh ngày một phát triển, nhiều năm giữ vai chuyền hai số 1, và đến tận bây giờ vẫn là “hàng hiếm” của bóng chuyền Việt Nam. Còn đội bóng Công an TP.HCM  đã xoay chuyển quá nhanh, nhất là trong cuộc chuyển đổi mạnh mẽ của môn này theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp. Do quá chậm đổi mới, nửa vời về mô hình nên họ rơi vào tình trạng tuột dốc kéo dài, liên tục đối mặt với cảnh lên xuống hạng, thậm chí  có thời điểm suýt bị giải tán.

Lê Hồng Huy trong màu áo Thể Công Binh Đoàn 15.

Công An TP.HCM đánh mất mình song tình yêu và sự gắn bó của Huy không hề suy chuyển. Khi mà các đồng đội cùng lứa đã giải nghệ hết, hay rời sang đội khác, anh vẫn trụ lại với tinh thần cống hiến hết mình, dù phải chấp nhận nhiều thiệt thòi. Và không phải Huy không có những sự lựa chọn khác. Có thể đánh giá không hề quá rằng, Công an TP.HCM  còn tồn tại được đến nay, có một phần quan trọng nhờ Huy. Không chỉ đóng góp chủ lực về chuyên môn, anh còn là tấm gương, tạo động lực cho các đàn em. Cách đây 3 năm đội nhà xuống hạng nhất, Huy mới quyết định đầu quân cho các đội ở hạng trên dự giải VDQG theo dạng biệt phái  hay thuê mượn.

Với một cầu thủ đẳng cấp như Huy, quá dễ để anh nhận được sự chào đón từ các đội mạnh giàu tiềm lực . Huy có thời gian đầu quân cho Sanest Khánh Hòa, và lập tức khẳng định được giá trị của mình khi giúp cho đội bóng đang gặp khó về lực lượng trở lại cuộc đua tranh các thứ hạng cao nhất. Chỉ tiếc Huy thi đấu cực hay song đội bóng phố Biển  vẫn không thể tái chiếm ngôi đầu, với hai lần hụt bước đáng tiếc trong những trận quyết định, do đội hình mỏng và lệch.

Như một cái duyên kỳ ngộ, đầu mùa giải 2014, Huy chia tay Sanest Khánh Hòa về với Thể Công Binh Đoàn 15. Và nó đã thực sự là một sự kết hợp hoàn hảo. Huy đã bổ khuyết kịp thời vào đúng vị trí chuyền hai mà câu lạc bộ quân đội đang yếu, cần nhất. Còn Huy được tập luyện thi đấu trong một tập thể mạnh đều, hừng hực khát khao chinh phục sau 7 mùa giải thất bát.

Chuyền hai 41 tuổi đã có một màn trình diễn thuộc loại hay nhất của mình, nơi anh có điều kiện lý tưởng để phát huy tối đa khả năng và kinh nghiệm hiếm có. Dù hạn chế ở khả năng nhảy chuyền do vấn đề thể lực nhưng Huy đã thể hiện được một hiệu suất cùng sự đa dạng, ăn ý với các đồng đội một cách đáng kinh ngạc. Ngoài chuyên môn, Huy còn làm chỗ dựa cực tốt cho đội, đặc biệt ở những thời khắc gay cấn.

Chính anh đã mang đến sự khác biệt quan trọng để Thể Công Binh Đoàn 15 bước lên ngôi cao nhất sau 7 năm chờ đợi. Anh cũng được BTC  trao giải chuyền hai xuất sắc nhất giải, với sự thống nhất tuyệt đối.

Với 2 chức vô địch, 2 đội bóng , cách nhau tới 17 năm, Huy đã có một phần thưởng xứng đáng và đặc biệt cho nghiệp đấu đầy đam mê và bền bỉ .

Đó là một cái kết quá đẹp cho  một ‘tượng đài” nhưng chắc chắn Huy sẽ chưa dừng lại.

Hai nỗi niềm đau đáu

Ở tuổi 41, sau 20 năm gắn trọn với bóng chuyền , trở thành một tượng đài của bóng chuyền Việt Nam, Lê Hồng Huy không có gì phải nuối tiếc khi nhìn lại sự nghiệp của mình. Thế nhưng, như tâm sự, anh luôn mang 2 niễm đau đáu mà chỉ mong sẽ sớm thay đổi.

Thứ nhất, bóng chuyền TP HCM, nơi anh được phát hiện, thành tài và gần như cống hiến suốt cả nghiệp đấu vẫn đang trong tình trạng tụt hậu và phần nào đó bế tắc kéo dài. Từ vị thế của trung tâm số 1 của môn này, với nhiều đội mạnh, trong đó có những cái tên lừng lẫy như  SEA Protex, hay Công an TPHCM, giờ lại giống như một “vùng trũng”. Bóng chuyền TP trầy trật tìm lối thoát và vẫn chưa thành công, dù không thiếu nguồn lực. Tại giải 2014, TP HCM chỉ có hai đại diện (1 nam, 1 nữ) dự tranh song đều thất bại.

Thứ hai, phía sau một chuyền hai kỳ cưu vẫn đóng vai trụ cột, nhận danh hiệu xuất sắc nhất giải là một khoảng trống lớn về lực lượng. Bóng chuyền Việt Nam gần như không còn những chuyền hai giỏi, thậm chí số có trình độ tốt cũng đếm được chưa hết một bàn tay. Nếu tình trạng này tiếp diễn, cực khó cho các  CLB cũng như ĐTQG trong mục tiêu vươn cao, bởi chuyền hai luôn là vị trí quan trọng  bậc nhât của  bóng chuyền.

 

Hà Thảo - Thể Thao 24h


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều