Tiêu đề của website

Từ chuyện tìm thầy ngoại cho tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam: Sao lại là Trung Quốc?

Rõ ràng, việc đem đấu pháp của một đội tuyển có chiều cao trung bình trên dưới 1m90 để sử dụng cho một đội tuyển thấp bé nhẹ cân hơn rất nhiều là điều hoàn toàn bất hợp lý


Rõ ràng, việc đem đấu pháp của một đội tuyển có chiều cao trung bình trên dưới 1m90 để sử dụng cho một đội tuyển thấp bé nhẹ cân hơn rất nhiều là điều hoàn toàn bất hợp lý

Sau VTV Cup, bóng chuyền Việt Nam đã trình làng rất nhiều "ngọc thô" như Linh Chi, Thanh Thúy hay Trần Thị Thảo... Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ còn ở dạng tiềm năng và nói không ngoa, dù vô địch trên sân nhà nhưng khi bước ra sân chơi châu lục, chưa chắc lớp trẻ đã tái lập được những thành tích mà các đàn chị từng làm được cách đây vài ba năm: cụ thể là đánh bại cả Nhật Bản và Hàn Quốc tại Cúp châu á 2012.

Ngay sau chức vô địch, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) đã nhanh chóng có động thái kịp thời khi cấp tốc "sắm" cho tuyển nữ một HLV ngoại để "mài ngọc". Tuy nhiên, không ít người đã phải ngán ngẩm sau khi ông Tổng thư ký VFV - Trần Đức Phấn trả lời với VTV rằng "Liên đoàn sẽ mời cho tuyển một HLV có tiếng đến từ Trung Quốc".

Tương lai BCVN sẽ đi đâu nếu tiếp tục giữ bộ máy hiện tại của VFV.

Bỏ qua vấn đề chính trị nhạy cảm, những người theo sát bóng chuyền thế giới bao năm qua đều phải công nhận là bóng chuyền Trung Quốc đã ở một tầm rất khác so với bóng chuyền Việt Nam. Trong khi Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lối chơi cũ kỹ, rườm rà thì Trung Quốc đã thay đổi theo một hướng khác.

Kể từ sau khi bà Lang Ping lên nắm chức HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc (sau Olympic Luân Đôn 2012). Dù không đạt nhiều thành công trên đấu trường quốc tế như thời vàng son, song Trung Quốc đã trình làng một lối chơi cực kỳ mới mẻ. Nhiệm vụ ghi điểm của đội tuyển được đặt hết vào chủ công, và phụ công chỉ chủ yếu đảm trách phần chắn bóng trên lưới. Trong khi đó, nhìn thẳng vào VTV Cup vừa qua, nếu không có sự xuất sắc của bộ đôi phụ công Ngọc Hoa - Bùi Ngà, chưa chắc Việt Nam đã đi tới chung kết và vô địch.

Thêm nữa, tương quan về thể hình, thể lực của các cầu thủ Trung Quốc và Việt Nam trái ngược một trời một vực. Trong khi Trung Quốc thường xuyên cho ra "lò" những tay đập cao trên 1m90 và sẵn sàng chọn lối đánh tầm cao ở 2 biên, thì tuyển Việt Nam hiếm hoi lắm mới có sự xuất hiện của một chủ công cao trêm 1m80.

Video trận Việt Nam - Trung Quốc tại giải VĐCA 2013:

Như VTV Cup vừa rồi, chủ công chơi hay nhất VN - Đỗ Thị Minh chỉ cao vỏn vẹn 1m73, một số tay đập khác như Nguyễn Thị Xuân (1m80), Hà Ngọc Diễm (1m77)... thuộc diện khá so với mặt bằng chung của tuyển VN, nhưng khi ra đấu trường quốc tế, họ không tránh khỏi việc lọt thỏm giữa những chú  "khủng long". Rõ ràng, việc đem đấu pháp của một đội tuyển có chiều cao trung bình trên dưới 1m90 để sử dụng cho một đội tuyển thấp bé nhẹ cân hơn rất nhiều là điều hoàn toàn bất hợp lý. Đó là chưa kể nếu gặp hàng chắn tốt, các tay đập Việt Nam còn có nguy cơ mất điểm rất cao.

Từ những nhận định trên, có thể thấy rằng lối chơi của Trung Quốc khác một trời một vực so với Việt Nam. Nhưng tại sao VFV vẫn quyết định chọn thầy Trung?

Thật ra, vấn đề nằm ở bài toán kinh phí. Theo ông Phấn, chi phí thuê chuyên gia Trung Quốc chỉ mất khoảng 4.000 USD/tháng trong khi mời một HLV Nhật Bản tốn kém hơn rất nhiều.

Ông Phấn từng cho biết, VFV sẽ quyết tâm nâng tầm đội tuyển sau VTV Cup. Đến đây, nhiều người lại thắc mắc liệu Liên đoàn sẽ nâng tầm bằng cách nào khi mời một HLV từ một nền bóng chuyền vốn sở hữu lối chơi chẳng còn phù hợp về dẫn dắt các chân dài nước nhà. Phải chăng, đây chỉ là biện pháp đối phó dư luận của VFV, và ông thầy người Trung tiếp theo chỉ là hàng "xài tạm"?

Thật ra, để có kinh phí thuê thầy giỏi không khó. Song cả chục năm nay VFV vẫn chưa hề làm tốt nhiệm vụ của mình ở cả khoản kiếm tiền lẫn phát triển mối quan hệ với các Liên đoàn trong khu vực và trên thế giới. Tương lai đội tuyển trông chờ vào VFV, VFV không tìm được lời giải vì bài toán kinh phí. Và có thể những viên "ngọc thô" vừa được trình làng ở kỳ VTV Cup 2014 sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được mài sáng.

Không thầy Nhật thì ít ra cũng phải thầy Thái - những nền bóng chuyền tương đương Việt Nam về thể chất và con người. Cớ sao VFV cứ mãi chọn thầy Trung?

 

Nam Anh - Thể thao Việt Nam


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều