Tiêu đề của website

Kết thúc giải bóng chuyền nữ châu Á: TƯỢNG ĐÀI THÁI LAN VÀ NỖI LO VIỆT NAM

Như thường lệ hai năm một lần, năm nay giải vô địch bóng chuyên nữ châu Á (Giải) đã tổ chức tại Thái Lan và thành công tốt đẹp. Một đánh giá chuyên môn và cách nhìn với đội tuyển Việt Nam là nội dung của bài viết này.


Như thường lệ hai năm một lần, năm nay giải vô địch bóng chuyên nữ châu Á (Giải) đã tổ chức tại Thái Lan và thành công tốt đẹp. Một đánh giá chuyên môn và cách nhìn với đội tuyển Việt Nam là nội dung của bài viết này.

  1. Đã có tấm bản đồ mới

Cách đây 4 năm, nhà thi đấu Cung Quần Ngựa, Hà Nội được đăng cai tổ chức Giải và người xem Hà Nội đã hết sức hào hứng được nhìn thấy tận mắt những đại diện ưu tú nhất của nền bóng chuyền (nữ) châu lục, trong đó có nhiều những nhà vô địch thế giới, các nhà vô địch Olympic và vô địch Á vận hội. Và đến hẹn lại lên, lần này người yêu thể thao lại được theo dõi gián tiếp sân chơi nói trên tại Rachasima, Thái Lan-nơi từng diễn ta các trận đấu thuộc khuôn khố SEA Games 2007. Giải chỉ thiếu một đại diện quen biết là đội tuyển nữ Triều Tiên với lối đánh tầm thấp, ngoài ra những gương mặt thân quen đều xuất hiện và thi đấu với cường độ lớn, mật độ cao và kết quả rất bất ngờ, nói khác đi, Giải đã trình làng một tấm bản đồ mới của bóng chuyền châu lục với thứ tự xếp hạng cuối cùng lần lượt là 8 đội có mặt ở vòng chung kết: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Kazakhstan, Việt Nam, Đài Loan, Indonesia. Bóng chuyền Trung Quốc bước vào giải đấu với tư cách là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch bởi lẽ cách đây ít lâu dưới sự dẫn dắt của HLV huyền thoại Lang Ping đội bóng này chơi thật sự ấn tượng khi giành vị trí thứ hai tại World Grand Prix 2013. Tuy nhiên trước thất bại có thể nói là sốc trước các tay đập xứ Chùa Vàng trong trận bán kết, xuống tinh thần đã khiến cho các tay đập Trung Quốc thua luôn trong trận tranh hạng 3 với Hàn Quốc sau đó, để dẫn đến cái kết cục hạng Tư chung cuộc là hết sức đau xót. Nhìn tổng thể, bóng chuyền châu lục đang thay đổi thế hệ, kể cả Thái Lan dù họ vừa đăng quang. Đội Trung Quốc dù chủ công sức vóc Vương Ngọc Mai (1) vẫn còn trong đội hình, nhưng có thể thấy không còn sức vóc như trước bởi vậy luôn phải đóng vai trò dự bị cho chủ công trẻ Zhu Ting. Hàn Quốc đang thay một lớp trẻ và đặc biệt trong đội hình vẫn cò đó chủ công Kim Yeon Koung. Nhật Bản cũng chia tay nhà tổ chức vĩ đại Takeshita, Libero Sano và đang trông cậy vào nhóm cầu thủ trẻ Myashita, Ebata, Risa, Nagaoka và đội trưởng Saori. Kazakhstan tỏ ra quyết tâm làm mới bằng cách chiêu mộ những “khủng long” để lấp đầy chiều ngang sân mỗi khi phòng ngự trên lưới song chưa kịp gia cố khâu phòng thủ nên xếp hạng Năm là chuẩn xác. Bốn năm trước, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) đã xếp hạng 7, năm nay nếu có cả Triều Tiên chắc thứ tự sẽ như trên vì thế có sự bất biến nào đó cho chúng ta, tuy nhiên điều cần nói nhất lại là bài học từ Thái Lan, cái mà chúng ta cần soi vào đấy để suy ngẫm và học tập. 

  1. Tượng đài Thái Lan

Gọi là tượng đài thật không sai, tuyển nữ Thái Lan đã lên ngôi một cách tâm phục vì họ lần lượt đả bại tất tật, trong đó họ thắng Nhật Bản tới 3-0 trong trận chung kết chóng vánh và hạ đo ván “đại kình địch” Trung Quốc sau một trận đấu khá căng thẳng. Vậy đội Thái Lan có điều gì?

Xin nói lại, đội tuyển nữ Thái Lan có chiều cao bình quân trên sân thua ĐTVN chừng 1,5cm, như thế là thấp hơn nhiều so với những đội bóng Âu Mỹ, kể cả Trung Quốc hay Hàn Quốc. Bù lại, HLV Kiatipon trước sau giữ một tư duy hết sức hiệu quả, đó là việc kiên quyết lấy sự linh hoạt trên khu vực 27m2 của sân trên, cực kỳ chuẩn xác trong việc tổ chức phòng thủ, bắt đầu bằng việc “làm” thật tốt bước một, trong khi đó chịu khó tổ chức thường xuyên những cú đánh từ sau vạch 3m. Chưa hết, vài mùa gần đây, những cú đánh len ở khe số 2-3, 3-4 thường được triển khai rất nhuyễn nên đối phương cao to dễ bị “treo” và mất điểm. Cách xây dựng lực lượng của Kiatipong không có gì mới song quý hồ tinh mà không có hiện tượng lộn xộn cấp tập như một số đội khác trong đó có Việt Nam, hiện đội Thái Lan chỉ bổ sung vài gương mặt trẻ song đều đáng tin cậy.

Thái Lan chủ yếu vẫn lấy điểm từ hỏa lực của các chủ công: vẫn có đó cặp “sát thủ” Onuma – Wilavan với mũi đánh thứ 3 Malika ngày càng thêm hiệu quả ở các quả đánh nhanh khi hoán đổi vị trí với phụ công Thatdao. Họ có thêm chủ công thứ tư là Chaisri chỉ cao 1m68 nhưng biết đánh từ xa lưới lại bật cao và ra tay nhanh, trong khi đó vẫn duy trì tay đánh chiến thuật Pleumjit có thâm niên về cách di chuyển và bật nhảy thường chậm ½ nhịp so với đối phương bên kia lưới nhảy chắn nên hiệu quả vẫn cao, nhất là ở khu giữa lưới-nơi thường hay để ngỏ vì đối thủ luôn phải canh chừng hỏa lực từ 2 bên của Onuma và Wilavan. Chuyền hai Tomkom Nootshara xinh tươi và hết sức tuyệt vời, cô gái chỉ cao 1m69 này hầu như mọi đường chuyền đều thực hiện trong tư thế nhảy nên đã và luôn đem đến yếu tố bất ngờ. Đặt lên bàn cân, Tomkom Nootshara có thể nói đã và đang tiếp cận Takeshita của Nhật Bản và xứng đáng là một tượng đài của bóng chuyền Châu Á. Đó là chân dung các đối thủ, trở lại ĐTVN, chúng ta sẽ thấy gì?

  1. Nỗi lo Việt Nam

Chúng ta đã có những tiến bộ, cần khẳng định điều này. Sự tiến bộ thể hiện qua tâm lí thi đấu của ĐTVN sau một loạt cọ xát từ 2 giải quốc tế có tầm cỡ. Mùa này, ĐTVN đã có được một dàn hỏa lực khá đa dạng với các chủ công Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Âu Hồng Nhung (trẻ) và Nguyễn Thị Xuân; một cặp phụ công khá sáng giá là Nguyễn Thị Ngọc Hoa-Phạm Kim Huệ, được bổ sung tay đánh trẻ Bùi Thị Ngà. Chừng đó đủ để ĐTVN thi đấu ổn định khi gặp các đối thủ truyền thống trong khu vực, trừ Thái Lan. Trận thua đáng tiếc khi đã dẫn trước hai hiệp trước Kazakhstan hay trận thắng ngược Đài Loan là điếm sáng của các cô gái Việt Nam ở Giải. Bên cạnh đó cần thấy sự tiến bộ của các cầu thủ Bùi Thị Ngà, Âu Hồng Nhung, tuy nhiên chừng đó là chưa đủ. Có thể thấy những lỗ hổng thế này.

Bước một rất kém, libero Thanh Tuyền là điểm yếu của ĐTVN. Bên cạnh đó thì cách cầm quân của HLV Phạm Văn Long vẫn còn để lại nhiều câu hỏi từ giới chuyên môn ở mấy giải gần đây và điều đó thật sự làm các fan lo lắng. Vì thế, nếu Managang của INA đủ điều kiện tham dự SEA Games 27, tấm HCB chắc gì đã thuộc về ĐTVN? Những lỗ hổng như thế rất cần lấp kín, xin các nhà quản lí chớ để điều này được xứ lý theo kiểu cho qua trước sự theo dõi khá nghiêm khắc và thiện chí của dư luận. Thời gian không có nhiều cho những quyết sách, xin gửi câu hỏi bức xúc này về Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

(Các bạn có thể đón đọc bài báo này trên báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 24/09/2013)

                                                                                                      Nguyễn Lưu


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều