Tiêu đề của website

Bóng chuyền nữ vắng mặt tại ASIAD 2014: Chân dài không đắt !

Việc các "chân dài bóng chuyền" bị gạch tên khỏi danh sách dự tranh ASIAD 17 có lẽ là trường hợp gây tranh cãi với nhiều hệ lụy nhất của TTVN trong các kỳ ASIAD.


Việc các "chân dài bóng chuyền" bị gạch tên khỏi danh sách dự tranh ASIAD 17 có lẽ là trường hợp gây tranh cãi với nhiều hệ lụy nhất của TTVN trong các kỳ ASIAD.

Bóng chuyền nữ Việt Nam không thiếu những chân dài, nhưng nghịch lý lại thiếu sự quan tâm và đầu tư.

Nhìn từ mặt tổng thể của cả một đoàn quân, nhất là theo chủ trương tập trung, hiệu quả, ngành thể thao có lý do để nói không với bóng chuyền nữ. Còn giới chuyên môn, người hâm mộ không hiểu tại sao "bộ mặt" của bộ môn được yêu mến bậc nhất, không hề phải lo chuyện kinh phí lại phải ở nhà. Gốc rễ của vấn đề suy cho cùng nằm ở chính bộ môn điều hành, quản lý trực tiếp - bộ môn và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, với cách nghĩ cách làm bị... lỗi hệ thống trong nhiều năm.

"Chân dài" hụt bước & nghịch lý châu lục

Cách đây 3 tháng, tại giải quốc tế VTV cúp, bóng chuyền nữ với một đội hình trẻ trung, xinh tươi, giàu khát khao và liên tục tiến bộ đã tạo nên một cơn sốt hầm hập khắp cả nước. Các "chân dài không son phấn" đã thực sự làm thỏa mãn tất cả khi chơi bùng nổ để bất ngờ giữ cúp ở lại Việt Nam. Cũng ngay trước đó, có tới ba tuyển thủ quốc gia được mời sang tranh tài tại giải VĐQG Thái Lan, trong đó nổi bật là Ngọc Hoa còn được bầu làm phụ công hay nhất giải. Qua đó, vị thế đặc biệt của bóng chuyền nữ với tư cách ĐTQG số 2, chỉ sau mỗi bóng đá nam càng được củng cố, gần với kỳ vọng bứt phá vươn lên tầm châu lục.

Thật dễ hiểu vì sao việc bóng chuyền nữ bất ngờ bị loại lại gây sốc đến vậy, được ví như một kết quả đầy bất công, oan uổng. Người ta viện dẫn giá trị riêng - so ngay với bóng đá nam, khả năng tự chủ kinh phí, rồi màn trình diễn đang tốt lên từng ngày của đội để cho rằng chẳng có bất cứ cơ sở thuyết phục nào.

Có vẻ như càng nghịch lý bởi bóng chuyền nữ không dự ASIAD song lại vẫn góp mặt ở Cúp châu Á đang tranh tài tại Trung Quốc, tức trước sự kiện trên đất Hàn Quốc đúng 1 tuần, rồi giải tán. Cùng là hai cuộc đấu đỉnh cao châu lục, đều với các đối thủ hàng đầu, lẽ nào chỉ ASIAD quá tầm còn Cúp châu Á lại... vừa sức ? Chưa kể, có vài đội yếu hơn Việt Nam nhiều cũng đăng ký dự ASIAD như thường.

Cái lý của ngành thể thao

Chuyện các "chân dài" bóng chuyền phải ở nhà thực ra cũng khó có thể trách ngành thể thao. Xét tổng thể của một đoàn quân được tinh gọn cao nhất có thể, với tổng số chỉ có 199 tuyển thủ của 21 môn, họ có cái lý để quyết định...nói không. Trên thực tế, các môn đều đã được tuyển chọn theo tiêu chí có thể tranh chấp huy chương. Riêng nhóm các môn đại chúng tập thể đều thua kém mặt bằng chung châu lục một khoảng cách xa, lãnh đọa ngành đã chỉ dành sự ưu tiên duy nhất cho hai ĐTQG năm nữ của môn bóng đá.

Ngoài ra, chính bóng chuyền nữ không chứng tỏ được sự sẵn sàng và xứng đáng để giành quyền thi thố tại ASIAD. Ngọc Hoa cùng các đồng đội trẻ cực khó để có được một thứ hạng cao, phần nào đó còn phải đối diện với nguy cơ thất bại. Trong khi đưa một đội hình tối thiếu 12 tuyển thủ sang Hàn Quốc cũng là một bài toán khó về nhiều mặt, không chỉ về kinh phí.

Có nghĩa là, với đoàn TTVN tại ASIAD, sự vắng mặt của bóng chuyền nữ gần như không ảnh hưởng gì đến hình ảnh, sức hút, thành tích. Điều này cũng từng xảy ra ở kỹ đại hội cách đây 4 năm, và khi ấy lực lượng của tuyển nữ còn mạnh hơn hiện tại rất nhiều, với nhiều ngôi sao như Kim Huệ, Bùi Huệ, Diệu Châu...đang có phong độ đỉnh cao.

Thảm họa từ đâu ?

Có thể với TTVN chẳng mấy quan trọng song rõ ràng việc bóng chuyền nữ hai lần liền không tham dự ASIAD là một thảm họa của môn đang được quan tâm, yêu mến và có điều kiện phát triển thuận lợi bậc nhất. Trách nhiệm ở đây thuộc về bộ phận điều hành, quản lý trực tiếp - bộ môn và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Những người có trách nhiệm đã không hề có một tầm nhìn, hay nói cách khác khát vọng châu lục, với cách làm bài bản, dài hạn, và thay vào đó là một nếp thời vụ, ăn đong, phục thuộc đến mức lệ thuộc SEA Games - sân chơi mà các "chân dài" đã trải qua 7 kỳ "phận bạc" liên tiếp.

Tại ASIAD 2010, vào giờ chót, bóng chuyền nữ mất cơ hội vì lý do lãng xẹt khi có quá nhiều trụ cột đồng loạt dính chấn thương, lại không kịp có phương án ứng phó. Những tưởng sau 4 năm, sự chuẩn bị cho đấu trường lớn nhất châu lục sẽ khác song rốt cuộc đâu lại vào đấy. Mục tiêu ASIAD gần như không được đặt ra một cách nghiêm túc như đáng ra phải thế, và nếu có đề cập đến cũng theo kiểu dự cũng được mà thiếu cũng chẳng sao.

Đơn cử cả năm nay, trong kế hoạch của bộ môn và liên đoàn, ASIAD chỉ mờ nhạt giống như cuộc đấu bình thường, thậm chí còn không được coi trọng như giải quốc tế VTV Cup - một giải đấu mời. Đúng nghĩa, nó chỉ là một nhiệm vụ, một đợt cọ xát, giao lưu hội nhập kèm thêm. Mấy đợt tập huấn của ĐTQG thực chất không hề nhắm tới ASIAD mà chuẩn bị cho VTV Cup hay Cup châu Á. Thế mới có chuyện trước ASIAD 4 tháng, đội được trẻ hóa gần như triệt để, và khôi hài hơn sau này lại lấy nó ra để lý giải cho nguyên nhân không dự.

Bóng chuyền nữ Việt Nam mất cơ hội tại ASIAD 2014 không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng nhưng những gì thể hiện phía sau thì đáng để "nghiêm trọng". Đó là sự tụt hậu của tư duy, bệnh thành tích trước mắt và thái độ sợ trách nhiệm. Khi mà giới chuyên môn, người hâm mộ đang sôi lên sùng sục trước việc này thì chính những "người trong cuộc" lại bình chân như vại, phần nào đó cứ như thể thoát được một gánh nặng và nguy cơ.

Bộ môn và liên đoàn nêu quyết tâm đưa bóng chuyền nữ lên top 5 châu lục song với nỗi buồn hai lần liền không tham dự ASIAD, nó chẳng khác gì... chuyện đùa. Và việc tự hào về giải VĐQG hấp dẫn. chất lượng hàng đầu khu vực, khả năng tự chủ kinh phí, hoạt động phần nào cũng trở nên vô nghĩa.

 

TƯỜNG NHI - TTVH


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều