Tiêu đề của website

Câu chuyện bằng cấp của HLV taekwondo Trần Quang Hạ: Ngẫm về bóng chuyền

Sự việc HLV môn taekwondo Trần Quang Hạ (từng giành HCV Asiad 1994) bị tố sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả suốt thời gian dài. Thậm chí, ông Hạ đã tốt nghiệp Đại học TDTT TPHCM năm 1998, đồng thời vừa tham gia khóa học thạc sĩ tại Trung Quốc. Trước khi bị phát hiện, đến tận năm 2015 ông Hạ mới… tốt nghiệp hệ THPT


Sự việc HLV môn taekwondo Trần Quang Hạ (từng giành HCV Asiad 1994) bị tố sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả suốt thời gian dài. Thậm chí, ông Hạ đã tốt nghiệp Đại học TDTT TPHCM năm 1998, đồng thời vừa tham gia khóa học thạc sĩ tại Trung Quốc. Trước khi bị phát hiện, đến tận năm 2015 ông Hạ mới… tốt nghiệp hệ THPT (!?) đang là tâm điểm của sự chú ý. Tuy nhiên, trường hợp ông Hạ bị phát hiện sử dụng bằng cấp giả không phải là duy nhất tồn tại trong làng thể thao TPHCM nói chung, bởi lẽ theo đợt rà soát mới đây của Sở VH-TT TPHCM, hiện còn một số trường hợp cũng bị tố cáo gian lận, trong đó có cả những nhân vật giữ vị trí quan trọng của ngành. Sự việc ầm ĩ đến mức ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM đã phải khẳng định sẽ tổng kiểm tra toàn ngành rà soát và kiên quyết xử lý những trường hợp sai phạm.

HLV Phạm Thanh Hà có bằng đại học tại chức trước khi có bằng bổ túc văn hóa. Ảnh dự thi bổ túc văn hóa trong hồ sơ các cơ quan liên quan cung cấp.

Quay trở lại với môn bóng chuyền, sự việc học giả, bằng thật hay học giả bằng giả cũng không phải là hiếm. Điển hình như trường hợp của HLV Phạm Thanh Hà là ví dụ rõ nét nhất. Có bằng đại học tại chức TDTT từ 1999(?), nhưng đến năm 2003, sau khi vấn đề bằng cấp bị thắt chặt và thanh tra, HLV này mới dự thi để lấy bằng bổ túc văn hóa cấp 3. Thậm chí HLV Phạm Thanh Hà tại giải Bóng chuyền Quân đội mở rộng 2014 diễn ra tại Bình Dương cũng từng thừa nhận: “HLV Phạm Văn Long cũng không có bằng cấp 3 đấy thôi, nhưng cứ huấn luyện có thành tích là được.”

Một trong những nguyên nhân chính bóng chuyền Việt Nam không thể phát triển là do trình độ kiến thức của HLV Việt Nam thường không cao. Các HLV Việt Nam chủ yếu huấn luyện theo những kinh nghiệm bản thân được tích lũy qua nghiệp cầu thủ của chính họ. Rất ít HLV bóng chuyền Việt Nam có trình độ sư phạm, bởi vậy việc quát mắng, xúc phạm nặng nề VĐV hay vấn đề bạo hành không phải là hiếm. Bóng chuyền ở các nước phát triển ngoài chuyên môn còn liên quan chặt chẽ đến các vấn đề ngoài sàn đấu như tài chính, y học... Thế nên, HLV tham dự các khóa đào tạo ở đẳng cấp cao được trang bị kiến thức cơ bản về chấn thương thể thao, quản lý kinh tế, tâm lý học, dinh dưỡng, ngoài các lĩnh vực chuyên môn như cách tổ chức tập luyện hoặc phương pháp nghiên cứu chiến thuật qua video... Ngoài ra HLV đương nhiên phải có khả năng truyền đạt sao cho cầu thủ trẻ biết cách tránh né chấn thương. Họ cũng phải biết các phương pháp sơ cấp cứu căn bản, cách đánh giá mức độ chấn thương hoặc cách xử lý thích hợp đối với các cầu thủ đang trong tình trạng chưa hoàn toàn bình phục.

Quay trở lại câu chuyện của ông Trần Quang Hạ, bản thân ông cũng thừa nhận nếu xét về lý thì đã sai, nhưng về tình thì chưa hẳn, bởi trong thời gian thuộc đội tuyển taekwondo Việt Nam, ông gần như không có thời gian để theo học văn hóa vì bận tập huấn và thi đấu ở các sân chơi SEA Games, Asiad… Nhưng sau khi sự việc bị phát giác, ông Hạ cho biết sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về sai sót nói trên, đồng thời chấp nhận mọi hình thức kỷ luật từ lãnh đạo ngành TDTT TPHCM.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều