Tiêu đề của website

Cách tổ chức một giải đấu bóng chuyền chuyên nghiệp của Nhật dưới góc nhìn của một khán giả

Bạn Nguyễn Duy một du học sinh tại Nhật Bản đồng thời cũng là một fan bóng chuyền chính hiệu đã có dịp đi theo dõi vòng loại Olympic môn bóng chuyền nữ 2016 đang diễn ra tại Tokyo. Thông qua những gì đang diễn ra tại hai nền bóng chuyền Việt Nam và Nhật Bản bạn Duy đã có những chia sẻ với Chuyên trang Thông tin Bóng chuyền về cách tổ chức của một giải đấu bóng chuyền chuyên nghiệp khác ở Việt Nam như thế nào.

Bạn Nguyễn Duy đến theo dõi vòng loại Olympic môn bóng chuyền nữ đang diễn ra tại Tokyo.

Ở Nhật Bản không chỉ riêng vòng loại Olympic môn bóng chuyền nữ mà ở tất cả các giải đấu khác đều tổ chức hết sức chuyên nghiệp. Từ nhiều ngày trước giải, Liên đoàn Bóng chuyền Nhật Bản phối hợp cùng BTC đã công bố giá vé, bản đồ NTĐ, cách di chuyển bằng ô tô, xe bus, tàu điện ngầm… sao cho người hâm mộ không bỡ ngỡ khi phải tìm đường đến các địa điểm tổ chức các giải đấu.

Ngay khi các khán giả bước đến NTĐ đều được các nhân viên chăm sóc rất nhiệt tình. Họ hướng dẫn cách xếp hàng (thực tế người dân Nhật không cần hướng dẫn thì họ cũng tự có ý thức làm điều này), phát quạt cầm tay in hình VĐV, phát nước miễn phí cho các khán giả. Vé vào xem được chia làm 2 loại, vé bình thường giá khoảng 3000 Yên tương đương với 600 nghìn đồng, trong khi đó vé vip được ngồi gần hơn, cũng đắt hơn giá khoảng 10.000 Yên tương đương 2 triệu đồng (giá vé xem toàn bộ 4 trận trong một ngày). Vì các trận đấu kéo dài từ 10 giờ sáng đến tận gần 8 giờ đêm, bởi vậy mà sẽ có rất nhiều các khán giả có nhu cầu ra ngoài. Để tiết kiệm tiền cho người hâm mộ không phải mua vé lần 2, những người có nhu cầu quay trở lại đều được BTC đóng một con dấu không màu vào tay hoặc vào cuống vé. Khi khán giả quay trở lại, bảo vệ chỉ cần soi lại nếu có xuất hiện con dấu màu tím là sẽ cho vào.

Một khu vực cũng được rất nhiều khán giả quan tâm và “làm ăn” cũng khá tốt là hành lang của NTĐ. Ở đây bày bán rất nhiều tạp chí được in màu về bóng chuyền, áo số các cầu thủ nổi tiếng của bóng chuyền nữ Nhật Bản. Giá một chiếc áo là 4000 Yên tương đương với 800 nghìn Việt Nam. Ngoài ra nơi đây còn bán rất nhiều phụ kiện khác như giày, bịt gối, vật dụng dành cho cổ động…

Ở Nhật phong cách cổ vũ cũng rất sôi động nhưng mang tính chuyên nghiệp cao. Chẳng hạn như các CĐV trước khi vào xem thường mua thêm 2 thanh nhựa màu (giá khoảng 300 Yên), họ vỗ theo nhịp nhạc, và khi cần họ sẽ hát theo một bài hát cổ động bằng tiếng Nhật. CĐV của Nhật Bản cũng rất có ý thức, ví dụ như khi bóng chết họ sẽ cổ động, nhưng khi bóng sống (hai đội đang thi đấu) tuyệt đối sẽ không có tiếng động nào xuất hiện điều này rất khác biệt với Việt Nam khi CĐV của mình thường hô hét một cách tự do.

Các VĐV, HLV, trọng tài… sẽ có lối di chuyển riêng, bởi vậy sẽ không có chuyện khán giả chạy xuống dưới sân xin chụp ảnh, chữ ký… như ở Việt Nam mình. Các VĐV Nhật Bản và quốc tế họ cũng chuyên nghiệp lắm. Hết mỗi set đấu họ đều di chuyển và có động tác chào sân. Ngoài ra trong trận đấu giữa Thái Lan và Cộng hòa Dominica mình thấy HLV của Thái rất hay. Họ dám tranh cãi khi có những bất công, ví dụ như ở đây là chuyện thay người. Nhưng họ đều đứng ở khu vực giới hạn chứ không chạy sổ ra chỗ nọ, chỗ kia, thậm chí là đến tận bàn giám sát như kiểu ở Việt Nam mình. Mà thực tế mấy chuyện tranh cãi mình thì chỉ thấy ở các giải trong nước thôi, chứ ra các giải quốc tế, mấy bác HLV Việt Nam nhà mình đều im như khóc, dù Việt Nam mình bị xử ép cũng không thấy nói năng, phản ứng gì. Ngoài ra công nghệ “mắt diều hâu” cũng là một điểm sáng tăng thêm sự khách quan và trung thực cho giải đấu. Các đội đều có 2 lần xem lại các tình huống gây tranh cãi trong 1 set điều này tránh chuyện một set đấu quá dài vì các đội câu giờ và hơn nữa cũng giảm thiểu được việc bị xử ép và các câu chuyện không đáng có ở phía sau khu vực hậu trường.

Cũng còn rất nhiều câu chuyện khác mình muốn chia sẻ với độc giả của Volleyball.vn, nhưng hy vọng trong một ngày không xa bóng chuyền Việt Nam sẽ tổ chức được nhiều giải đấu hấp dẫn và chuyên nghiệp để Liên đoàn bóng chuyền châu Á và thế giới tin tưởng giao cho Việt Nam mình tổ chức được nhiều giải đấu lớn tầm cỡ châu lục và thế giới.


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều