Tiêu đề của website

Bóng chuyền Việt Nam: Những lâu đài trên cát

Vòng 2 Giải vô địch bóng chuyền quốc gia năm 2015 đã chính thức khép lại, với quy mô “hoành tráng” quen thuộc. Éo le thay, lần này, vẻ hào nhoáng đó đã không còn che khuất được hết những nỗi niềm hằn lên ở không ít đội bóng, để tô đậm đòi hỏi bức thiết về sự đổi thay.


Vòng 2 Giải bóng chuyền Vô địch quốc gia năm 2015 đã chính thức khép lại, với quy mô “hoành tráng” quen thuộc. Éo le thay, lần này, vẻ hào nhoáng đó đã không còn che khuất được hết những nỗi niềm hằn lên ở không ít đội bóng, để tô đậm đòi hỏi bức thiết về sự đổi thay.

Giải đấu “trăm tỷ”, mà số trận đáng xem không nhiều. Ảnh Như Huy

1. Ước tính, tổng kinh phí hoạt động của 24 đội bóng tham dự Giải vô địch quốc gia (VĐQG) mỗi năm lên tới trên 100 tỷ đồng. Hầu hết các CLB không còn phải lo thiếu tiền nữa. Một số thậm chí đã thuộc diện “rủng rỉnh”. Thế nhưng, giải đấu “trăm tỷ” ấy chỉ có vài trận đáng xem, và không thể trở thành nền tảng vững chắc cho một đội tuyển quốc gia (ĐTQG) mạnh.

Một lý do quan trọng chính là việc duy trì quy mô của giải (12 đội nam, 12 đội nữ, với hai vòng đấu được tổ chức tách rời trong khoảng cách thời gian quá xa). Cách tổ chức này bắt đầu từ mùa 1999, xuất phát từ mặt bằng chung rất thấp, tình trạng “nửa phong trào, nửa đỉnh cao” phổ biến ở hầu hết các đội, hệ thống các giải không rõ ràng. Việc “gom” các đội “vào chung một rọ” được coi như một “giải pháp tình thế”, nhằm “nâng chất” cho chính các đội cùng cả giải. Cách thức ấy đã sớm bộc lộ bất cập. Ngay từ đầu, khoảng cách trình độ giữa các đội đã rất lớn, và ngày càng tiếp tục phân hóa. Trong vài mùa giải trở lại đây, nó thật sự đẩy Giải VĐQG vào trạng thái trì trệ, đồng thời kìm hãm sự phát triển của cả môn bóng chuyền nói chung.

Tuy nhiên, điều quyết định vẫn là: Dù kinh phí đã phần nào được bảo đảm, các CLB vẫn thiếu quan tâm đến mảng đào tạo trẻ. Nếu có, hầu hết cũng chỉ ứng phó theo kiểu “được chăng hay chớ”. Số CLB chú ý đến khâu phát triển tài năng trẻ thật sự có thể đếm được trên đầu ngón tay. Mà đúng ra, cũng chỉ gồm ba “lò”: Thông tin LienVietPostBank, Bình Điền Long An và Thể Công Binh Đoàn 15. Vì thế, cả làng bóng chuyền đã rơi vào một cuộc khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng, nhất là qua tới 10 năm phụ thuộc (tới mức lệ thuộc) vào chuyện thuê mướn cầu thủ ngoại, chạy theo thành tích thời vụ trước mắt.

2. Không khó để nhận thấy những vấn đề này. Các nhà tổ chức, những người có trách nhiệm từng đặt ra lộ trình rút gọn giải xuống chỉ còn tám đội, cùng những giải pháp hỗ trợ để có thể nâng cao chất lượng, sự tập trung, tính cạnh tranh và sức lan tỏa. Câu chuyện này được đặt ra từ bốn năm trước, song không hiểu sao đến giờ vẫn chỉ là ý tưởng?

Chỉ trong năm 2014, liên tiếp Vietsov Petro và Bia Sài gòn Thái Bình Dương - hai đội bóng được coi như các “hiện tượng” - đều bị giải thể. Đây là hai CLB theo mô hình xã hội hóa, có nguồn lực tài chính dồi dào, cùng cách làm nhiều đột phá. Thực tế, ở các mức độ khác nhau, họ đã góp phần thay đổi diện mạo bóng chuyền Việt Nam, song đều bị “khai tử” sau quyết định chóng vánh của doanh nghiệp sở hữu.

Vừa mới đây, đến lượt thể thao quân đội (nơi đang quản lý tới sáu đội bóng dự giải VĐQG) gây sốc, với quyết định chỉ tập trung đầu tư cho hai CLB hàng đầu quốc gia là Thông tin LienVietPostbank (nữ) và Thể Công Binh Đoàn 15 (nam). Các đội còn lại (Quân đoàn 4, Quân khu 4, Biên Phòng, Phòng không Không quân) sẽ phải tự chủ về kinh phí hoạt động, hoặc chấp nhận giải thể. Và Quân đoàn 4, một cái tên lẫy lừng, đã chính thức nhận “án tử”, khi mùa giải năm nay còn cả chặng đường dài.

3. Dường như, cả nền tảng và diện mạo của bóng chuyền Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng nghiêm trọng, giống như một bước thụt lùi không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Chúng ta đang khan hiếm cả những thế hệ kế cận, lẫn tính hiệu quả, chuyên nghiệp và ổn định. Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không cẩn thận, môn này sẽ đi vào đúng “vết xe đổ” của V-League, với sự suy giảm rõ rệt về sức quyến rũ cũng như những khó khăn mỗi lúc một chồng chất trong quá trình xã hội hóa.

Có lẽ, đã đến lúc không thể muộn hơn, bóng chuyền Việt Nam cần có một cuộc “tái cấu trúc” toàn diện, triệt để, với điểm nhấn đầu tiên là giải VĐQG. Ngày 5-12 tới, Đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ mới sẽ được tiến hành. Hy vọng, đó sẽ là điểm đột phá khởi đầu, để một hành trình phát triển thật sự bền vững được phác thảo, thay thế “những lâu đài trên cát” như bây giờ.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều