Tiêu đề của website

Bóng chuyền thời kim tiền

Trong lúc bóng chuyền của nhiều đơn vị gặp khó vì không thể tìm được nhà tài trợ đồng hành thì Hà Nội lại có được Mạnh thường quân tiếp nhận để chi nhiều tỷ đồng duy trì đội bóng. Với người làm bóng chuyền Việt Nam, có được doanh nghiệp sẵn sàng làm thể thao đúng như... nắng hạn chờ mưa.


Trong lúc bóng chuyền của nhiều đơn vị gặp khó vì không thể tìm được nhà tài trợ đồng hành thì Hà Nội lại có được Mạnh thường quân tiếp nhận để chi nhiều tỷ đồng duy trì đội bóng. Với người làm bóng chuyền Việt Nam, có được doanh nghiệp sẵn sàng làm thể thao đúng như... nắng hạn chờ mưa.

Bóng chuyền nữ Hà Nội đã có được nhà tài trợ sau khi thăng hạng. Ảnh: Ad Khánh

1. Theo tìm hiểu, bóng chuyền nữ Hà Nội đã được Sở VH-TT Hà Nội “gả” hẳn về doanh nghiệp là Công ty cổ phần Bột giặt & hóa chất Đức Giang. Điều này đồng nghĩa, đội bóng nữ Hà Nội do doanh nghiệp quản lý hoàn toàn và tham gia từ thể thao Hà Nội chỉ mang vai trò đồng hành một phần. Làng bóng chuyền Việt Nam hiện tại đã và đang chứng kiến nhiều đội bóng chuyền với các VĐV, HLV có chuyên môn tốt được hưởng lợi khi là đội bóng do doanh nghiệp quản lý. Có thể kể tới như đội nữ VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương, nam Sanest Khánh Hòa.

Trước đây, trong giai đoạn bóng chuyền bùng nổ về tài trợ thì những phiên hiệu như nam Đức Long Gia Lai, nam Tập đoàn Dầu khí QG, nữ Vietsov Petro, nữ XLDK Thái Bình Dương, nữ Cao su Phú Riềng, nữ Hòa Phát Hưng Yên... được biết là nơi ổn định nhất cho VĐV, HLV. Nhưng, cuộc chơi chờ đợi một tiến trình dài hơi. Vì những khó khăn và khúc mắc thì các doanh nghiệp đã đứt gánh giữa đường với thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng. Tất cả những phiên hiệu ấy đã phải giải thể.

Chuyện doanh nghiệp “dứt tình” với bóng chuyền trong lịch sử của thể thao Việt Nam là không hiếm. Ngoài những đội bóng kể trên, thì giai đoạn 1990, những CLB lừng danh một thuở là Seaprodex TPHCM, Dệt Nam Định, Hàng không Việt Nam hay Bưu điện Hà Nội đã phải chịu cảnh như vậy. Mặc dù, họ chơi một thứ bóng chuyền làm say đắm lòng người nhưng vì cơ chế và doanh nghiệp không thể dốc tiền vào đầu tư nên từng đội phải chấm dứt hoạt động.

Đây mới là lần đầu Mạnh thường quân Công ty cổ phần Bộ giặt & hóa chất Đức Giang làm bóng chuyền. Ai cũng mong nếu phiên hiệu bóng chuyền nữ Hà Nội được duy trì bền vững cùng doanh nghiệp thì bản thân VĐV, HLV có nơi làm việc, thi đấu tốt. Mấu chốt vẫn là cuộc chơi có đi được dài hơi hay không. Tất cả những doanh nhân đến với bóng chuyền đều là những người rất “máu” với môn thể thao này. Họ chấp nhận bỏ nhiều tỷ đồng để duy trì và tìm kết quả tốt ở giải VĐQG với đội bóng của mình. Thế nhưng, khi lâm vào khó khăn tài chính, dù không muốn, nhiều ông chủ đành chấp nhận chia tay đứa con tinh thần của mình.

2. Bóng chuyền Việt Nam sau vòng chung kết hạng A toàn quốc 2016 đã xác định xong các CLB sẽ lên thi đấu giải VĐQG 2017. Thực tế, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) từng cho biết lộ trình giải VĐQG sẽ rút bớt số đội chỉ còn 8 nam, 8 nữ ở giai đoạn 2017, 2018. Tuy vậy, thực tế cho thấy, rút bớt số đội là khó. Bởi lẽ, sau khi bóng chuyền của các đơn vị Quân đội đứng trước nguy cơ không còn tồn tại vì phải chấp nhận cơ chế tự quản tài chính không được bao cấp thì VFV đã phải có cái nhìn khác.

Nghĩa là, bây giờ, để một CLB bóng chuyền tồn tại vô cùng khó. Khi có doanh nghiệp hoặc nhà tài trợ đồng hành thì một đội bóng cụ thể được cơ hội duy trì. Nhưng nếu đội bóng không thấy được triển vọng lên chơi VĐQG vì chưa thể tranh chấp trong 8 đội mạnh nhất (theo dự kiến) thì rất dễ bị nhà tài trợ hoặc doanh nghiệp chia tay. Mặt khác, VFV vẫn phải tính toán để có một giải VĐQG đúng nghĩa và hấp dẫn, với những trận đấu có chất lượng chuyên môn cao, thu hút được khán giả.

Tồn tại hay không tồn tại của một đội bóng phụ thuộc nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là VĐV, HLV phải được đảm bảo về thu nhập thì sự quyết tâm mới cao. Minh chứng của điều này chính là đội bóng chuyền nam Long An. Chỉ cách đây 5-6 năm, đội bóng này là sự ngưỡng mộ của tất cả đối thủ khi sở hữu đội hình đồng đều chuyên môn và có nhà tài trợ. Khi nhà tài trợ rút, bóng chuyền nam Long An được trả lại Sở VH-TT-DL và Trung tâm TDTT Long An. Lương của VĐV, HLV chỉ vài triệu đồng theo đúng hợp đồng nên tất cả đều nản và thi đấu hoàn toàn cầm chừng. Thay lời kết, chúng tôi xin dẫn lời HLV Trần Đăng Thành của bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội chia sẻ: “Bóng chuyền nữ Hà Nội từng là tên tuổi. Chúng tôi luôn muốn đưa đội bóng trở lại đỉnh cao thi đấu. Nhưng, nếu không có được tài chính mạnh và dài hơi thì luôn khó vực dậy...”.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều