Tiêu đề của website

Bóng chuyền phải cải tổ

Trong cuộc trò chuyện với PV Thanh Lâm mới đây, Tổng thư ký LĐBC Việt Nam (VFV) Lê Trí Trường thừa nhận mặc dù đã nhận nhiệm vụ mới được vài tháng, nhưng bản thân ông vẫn đang quan sát và đánh giá thực trạng của bóng chuyền nước nhà, trước khi đưa ra những kế sách tích cực nhất để vực dậy hình ảnh của môn thể thao nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người hâm mộ…


Trong cuộc trò chuyện với PV Thanh Lâm mới đây, Tổng thư ký LĐBC Việt Nam (VFV) Lê Trí Trường thừa nhận mặc dù đã nhận nhiệm vụ mới được vài tháng, nhưng bản thân ông vẫn đang quan sát và đánh giá thực trạng của bóng chuyền nước nhà, trước khi đưa ra những kế sách tích cực nhất để vực dậy hình ảnh của môn thể thao nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người hâm mộ…

Bên lề Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế 2016 diễn ra tại Cần Thơ, ông Lê Trí Trường đã bày tỏ: “Thực tế đã chỉ ra rất rõ rằng bóng chuyền chưa có được sự thống nhất về phương thức đào tạo VĐV, mỗi nơi làm mỗi kiểu và những khâu quan trọng khác để cấu thành nên cuộc chơi như công tác trọng tài, việc tổ chức thi đấu, giám sát hoạt động của Liên đoàn cần phải chỉnh sửa”.

Tổng thư ký VFV Lê Trí Trường (đứng) muốn cải tổ bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: Dũng Phương

Tức là dù mới nhận vai trò TTK chưa được bao lâu, ông Trường cũng đã nhận thấy những bất cập trong hoạt động của môn thể thao chỉ đứng sau bóng đá về số lượng người hâm mộ trên cả nước. Trước thời điểm Đại hội nhiệm kỳ mới (2015-2020), giới làm nghề đã rất trông đợi vào cuộc cải tổ thực sự, kể cả ở thượng tầng quản lý (tức VFV) lẫn hạ tầng (là các tỉnh, thành, ngành và doanh nghiệp tham gia đầu tư cho bóng chuyền). Trong đó, VFV phải thể hiện được vai trò “thủ lĩnh”, thay vì chịu cảnh bị động hoặc chạy đằng sau sự vụ như trước đây.

Tháng 8 tới, VFV sẽ tổ chức Hội thảo về bóng chuyền, trong đó mục tiêu chính là bàn về việc đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu, trọng tài… và theo ông Trí Trường, VFV sẽ mở lòng để đón nhận những ý kiến đóng góp chân tình từ những người làm nghề tâm huyết, từ đó xây dựng một lộ trình cải tổ bóng chuyền quyết liệt trong một vài năm tới.

Ông Trường nhấn mạnh: “Muốn rút ngắn số lượng đội bóng nam và nữ dự giải VĐQG xuống 8 hay 10 thì cần tìm ra lý do thuyết phục, không thể cứ nói là được. VFV sẽ lắng nghe những chia sẻ từ những người làm bóng chuyền lâu năm. Một mình tôi thì không thể làm được, vì đây là cuộc chơi mang tính tập thể, rất cần sự đoàn kết và đồng lòng từ nhiều phía. Nhưng quả thật công tác đào tạo VĐV, nâng chất HLV, siết lại kỷ cương trong đội ngũ trọng tài, chuẩn hóa công tác tổ chức thi đấu… là những việc cần gấp rút thực hiện. Chưa kể, VFV luôn ủng hộ các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho bóng chuyền, nhưng không khuyến khích làm thời vụ mà phải bền vững và góp sức thực sự cho sự nghiệp phát triển chung. VFV sẽ luôn sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhập cuộc, tất cả cũng chỉ hướng về tương lai mới”.

Đến năm 2019, Giải VĐQG sẽ còn 8 đội nữ và 8 đội nam. Ảnh: Nhật Anh

Cũng theo vị TTK thế hệ 7X này, nguồn lực con người của các đội bóng rất tốt, nhưng cách khai thác và phát huy lại vướng vào tư duy cũ, tức là không có tính xuyên suốt về hệ thống đào tạo từ VĐV năng khiếu cho đến những cấp cao hơn là CLB và ĐTQG. Thành thử, dù sở hữu nhiều VĐV tài năng, nhưng cả 2 đội tuyển bóng chuyền nam lẫn nữ Việt Nam đều lép vế trước bóng chuyền Thái Lan hơn 1 thập niên qua, ngay cả khi xuất phát điểm của 2 nền bóng chuyền gần như ngang nhau.

Đúng là quyết làm thôi thì chưa đủ, bóng chuyền cần quy tụ được nguồn sức mạnh tập thể, đón nhận những ý kiến khen, chê chân thành từ các nhà chuyên môn tâm huyết và từ chính dư luận cũng như giới truyền thông. Nhưng điều trăn trở lúc này là vẫn đang tồn tại những cá nhân chưa từ bỏ ý định thâu tóm quyền quản lý và hoạt động của VFV, kìm hãm sự phát triển đang có chiều hướng tốt đẹp của bóng chuyền. Giải quyết được điều này mới khó, càng trở nên căng thẳng đối với vị TTK mới như ông Lê Trí Trường.

Hiện nay, số lượng các đội bóng chuyền nữ dự tranh giải VĐQG thường niên ngày càng giảm, một phần do trình độ chuyên môn giữa các đội có sự chênh lệch rất lớn, vì vậy phương án chỉ có 1 đội bóng nữ lên hạng và 1 đội bóng xuống hạng là hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng tại sân chơi cao nhất của bóng chuyền Việt Nam. Theo lộ trình được VFV tính toán, mùa giải 2016 có 11 đội nam và 10 đội nữ tham dự (2 đội nam và 1 đội nữ xuống hạng). VFV sẽ xây dựng đề án giảm số lượng các đội theo lộ trình đến năm 2019, giải VĐQG chỉ còn lại 8 đội nam và 8 đội nữ tranh tài.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều