Tiêu đề của website

Bóng chuyền nữ Việt Nam: Nghịch lý

Khép lại giải cúp Hùng Vương 2017, bóng chuyền trong nước tạm dừng thi đấu giai đoạn 1. Nhìn trên thực tế, với các đội bóng nữ, nghịch lý đang diễn ra là VĐV kỳ cựu là người cần thiết trong thi đấu chứ không phải cầu thủ trẻ.


Sau hơn 5 năm, bóng chuyền nữ Thái Bình mới lọt vào tốp 4 đội hàng đầu sau giai đoạn 1 giải VĐQG. Một trong những dấu ấn của bóng chuyền nữ Thái Bình ở giải năm nay là việc chủ công Bùi Thị Huệ trở lại thi đấu. Chuyên môn của Bùi Thị Huệ lúc giai đoạn đỉnh cao là khỏi bàn cãi vì khả năng tấn công của cô luôn hiệu quả. Nhưng ở độ tuổi ngoài 30, Huệ không còn sự sung sức nhất.

Huệ đã quyết định nghỉ thi đấu cách đây 5 năm nhưng vì nhiệm vụ cho đơn vị, cô đã 2 lần phải khoác áo trở lại. Một bà mẹ  2 con vẫn phải thi đấu và trở thành trụ cột chuyên môn trước VĐV trẻ thì đó là lý do Huệ chưa thể nghỉ ngơi được. Cùng với Bùi Thị Huệ, bóng chuyền nữ Thái Bình đã phải yêu cầu chủ công Lê Thị Mười trở lại thi đấu cách đây 3 năm. Huệ và Mười là biểu tượng của bóng chuyền nữ Thái Bình giai đoạn đỉnh cao những năm thành công nhất cách đây 10 năm nhưng giờ họ vẫn còn giá trị chuyên môn cụ thể.

Bùi Thị Huệ giúp bóng chuyền Thái Bình trở lại top 4 một cách ngoạn mục.

Kết thúc năm 2016, Phạm Kim Huệ, Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân, Thu Hòa đã ngỏ ý muốn dừng bước chuyển công tác huấn luyện hoặc làm chuyên viên ngân hàng. Tuy nhiên, bóng chuyền Ngân hàng Công Thương (NHCT) vẫn phải cần họ. Bởi lẽ, nhiều cầu thủ trẻ của nữ NHCT có chuyên môn cao nhưng tinh thần không ổn định. Các đàn chị phải xuất hiện thì họ mới vững tin thi đấu. Đấy là lý do, Huệ, Hoa và Xuân, Hòa còn sức lực nên vẫn phải thi đấu. Chuyện “tế nhị” nhưng thực tế cười ra nước mắt là cả 4 tay đập cựu trào trên đều đã có gia đình và một số người đã sinh con nhưng họ còn là trụ cột vô cùng cần thiết.

Bóng chuyền Bộ tư lệnh Thông tin (quản lý CLB Thông tin Lienvietpostbank) đang trong giai đoạn khó khăn về mũi chủ công. Hai mũi nhọn hàng đầu của đội bóng nữ áo lính là Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh đã chinh chiến hơn 10 năm qua. Bây giờ, Phạm Thị Yến đã qua đỉnh cao khi ở tuổi ngoài 30, còn Đỗ Thị Minh tạm nghỉ để lên thiên chức người mẹ nên đội bóng này chưa tìm được ai thay thế. Vì lẽ đó, Phạm Thị Yến vẫn phải ra sân để làm thủ lĩnh tinh thần. Thực tế, cô đã được chuyển đổi công tác là HLV phó của đội.

Bóng chuyền VTV Bình Điền Long An trong 10 năm trở lại đây được đánh giá cao với biểu tượng Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Và trong suốt 14 năm ấy, Ngọc Hoa luôn là thủ lĩnh không thể thay thế. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là trong mùa giải gần đây với sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ, gánh nặng đầu tàu của Ngọc Hoa đã được san sẻ với đi rất nhiều.

Bóng chuyền Việt Nam đã tổ chức Hội thảo vào năm ngoái, đưa ra các giải pháp về đào tạo VĐV trẻ để nâng cao chuyên môn cũng như có lực lượng thay thế người lớn tuổi. Thực tế, tất cả vẫn chỉ trên lý thuyết. VĐV cựu trào đã sinh con vẫn phải ra thi đấu và trở thành trụ cột như thế nào thì tự kết quả trên sân phản ánh. Với áp lực thành tích, các đội bóng không mạo hiểm đưa cầu thủ trẻ ra sân.

Một mặt khác, hiện tại số cầu thủ trẻ tạo được dấu ấn chuyên môn không nhiều nên nếu cầu thủ lớn tuổi còn thi đấu được thì các đội bóng vẫn tận dụng triệt để. Vòng 1 giải VĐQG 2017 vừa qua, ai cũng phải xót xa khi chủ công Bùi Thị Huệ đã thi đấu và gặp chuyện vọp bẻ (chuột rút) trên sân và đồng đội phải đưa cô ra ngoài nghỉ ngơi.

Từ tháng 4 cho tới tháng 7, các đội bóng bắt đầu tuyển sinh VĐV năng khiếu để đào tạo tìm lứa kế cận. Một HLV chuyên đào tạo tuyến trẻ năng khiếu tại một “lò” đào tạo bóng chuyền nữ ở miền Bắc từng chia sẻ “số lượng đầu vào có thể đủ theo chỉ tiêu nhưng sau một giai đoạn, rất ít em trụ lại vì sự nhiệt huyết không còn cũng như năng lực chuyên môn không phát triển. Vì thế, các chị lớn vẫn phải ra sân gánh sức thi đấu. Tất cả các đội điều biết bất cập này nhưng do đầu vào không chất lượng thì lực bất tòng tâm”.


Tác giả:NGUYỄN ĐÌNH - SGGPNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều