Tiêu đề của website

Bóng Chuyền Nữ Việt Nam: “Khôn Đâu Đến Trẻ, Khỏe Đâu Đến Già”

(GLO)- Kết thúc Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV-Eximbank Cup 2013, diễn ra tại Nhà Thi đấu tỉnh Ninh Bình (từ ngày 13 đến 20-7), đội tuyển Việt Nam đã giành huy chương bạc, sau khi để thua Giang Tô (Trung Quốc) với tỷ số 1-3 trong trận chung kết. Điều đáng nói, tuy là chủ nhà, lại quy tụ những gì là tinh túy nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam, nhưng các cô gái của chúng ta càng chơi càng hụt hơi trước các khách mời, khiến người hâm mộ không khỏi lo xa.


(GLO)- Kết thúc Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV-Eximbank Cup 2013, diễn ra tại Nhà Thi đấu tỉnh Ninh Bình (từ ngày 13 đến 20-7), đội tuyển Việt Nam đã giành huy chương bạc, sau khi để thua Giang Tô (Trung Quốc) với tỷ số 1-3 trong trận chung kết. Điều đáng nói, tuy là chủ nhà, lại quy tụ những gì là tinh túy nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam, nhưng các cô gái của chúng ta càng chơi càng hụt hơi trước các khách mời, khiến người hâm mộ không khỏi lo xa.

Khỏe đâu đến già…

Trong số 6 đội tham dự giải năm nay, ngoài tuyển Úc chơi bóng theo kiểu nghiệp dư (bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… kiêm cầu thủ), thì đội tuyển Việt Nam có tuổi trung bình cao nhất. Trong khi các đội Sơn Đông, Giang Tô (Trung Quốc), Thái Lan, Kazakhstan đều cử các cầu thủ trẻ, tuổi từ 16 đến 20 sang Việt Nam tranh tài và họ chơi khá đĩnh đạc. Còn đội tuyển Việt Nam, nhiều năm qua, quanh đi quẩn lại vẫn chừng đó con người, nay đã lên chức “lão tướng”, sự nghiệp đã bước qua bên kia sườn dốc, nhưng vẫn phải gánh vác trọng trách, cày ải miệt mài trên sàn đấu.
 

Ảnh: Minh Vỹ
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: Minh Vỹ

Chẳng hạn Kim Huệ (phụ công, 31 tuổi); Hà Thị Hoa (chuyền hai, 29 tuổi); Phạm Thị Yến (chủ công, 28 tuổi); Nguyễn Thị Xuân (chủ công, 27 tuổi); Nguyễn Thị Ngọc Hoa (phụ công, 26 tuổi); Đỗ Thị Minh (chủ công, 25 tuổi)… Trong khi đó 4 gương mặt trẻ, ngoài Bùi Thị Ngà (phụ công, 19 tuổi) thường xuyên được vào sân thi đấu bên cạnh các đàn chị; Âu Hồng Nhung (chủ công, 18 tuổi) thỉnh thoảng ra vào sân; còn Thanh Thúy và Ngọc Diễm coi như thường xuyên trên ghế dự bị.

Cổ nhân đúc kết: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Đáng tiếc, vì quá chú trọng đến thành tích ở một giải mời như VTV-Eximbank Cup, nên huấn luyện viên Phạm Văn Long phải tung vào sân hàng loạt “bà chị” nai lưng ra thi thố với các đàn em của đội bạn đang độ “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”. Chẳng trách trong trận bán kết chúng ta vất vả lội ngược thác trước Sơn Đông với tỷ số 3-2, sau khi để thua trước 0-2. Còn trong trận chung kết, các lão tướng của chúng ta “lực bất tòng tâm”, để cho “gà son” Sơn Đông bước lên bục nhận Cúp vàng…

Việc để vuột mất chiếc Cúp của giải năm nay về tay Sơn Đông là một chuyện, nhưng nếu các nhà chuyên môn không thay đổi cách làm, không mạnh dạn tung các cầu thủ trẻ vào sân thử lửa, e rằng không bao lâu nữa, ngay cả vị trí á quân bóng chuyền nữ khu vực Đông Nam Á của chúng ta sẽ bị lung lay trước các thế lực đang lên.
 

Ảnh: Minh Vỹ
Ảnh: Minh Vỹ

…Khôn đâu đến trẻ

Khi đối chiếu các số liệu thống kê từ Giải Bóng chuyền nữ vòng loại World Cup 2014 khu vực Đông Nam Á đã diễn ra cách đây không lâu, tuyển Việt Nam có tuổi đời trung bình là 26,4; còn Indonesia chỉ là 21,3; Myanmar (24,2) và Philippines (22,3).

Theo chuyên gia Huỳnh Thúc Phong, sau VTV-Eximbank Cup 2013, bóng chuyền nữ Việt Nam cần tính toán lại bài toán về lực lượng vận động viên, phân bổ một cách hợp lý kế hoạch thi đấu cho các đội tuyển nữ. Ngoài SEA Games 27 diễn ra vào cuối năm, buộc phải tung thành phần mạnh nhất, thì theo giới chuyên môn, những giải còn lại cần phải tung hàng loạt tay đập trẻ tham chiến. Trước mắt vòng loại thứ hai World Cup 2014 (tháng 9-2013, tại Nhật Bản) là cơ hội không thể tốt hơn để các nữ tuyển thủ trẻ chúng ta thi thố, tích lũy kinh nghiệm.
 

Batkuldina Aliya (Kazakhstan)-Hoa khôi Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV-Eximbank Cup 2013. Ảnh: Minh Vỹ
Batkuldina Aliya (Kazakhstan)-Hoa khôi Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV-Eximbank Cup 2013. Ảnh: Minh Vỹ

Bởi hiện nay bóng chuyền Việt Nam đang có dàn cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, không hề thua kém Thái Lan. Đó là Bùi Thị Ngà (1994), Âu Hồng Nhung (1993), Nguyễn Linh Chi (1990), Thanh Thúy (1996), Hà Ngọc Diễm (1994),  Dương Thị Nhàn (1995), Nguyễn Thị Thanh Thúy (1997), libero Lê Thị Thanh Liên (1995)…

Huấn luyện viên người Thái Lan, Aphisak (VTV-Bình Điền Long An) và Sunton (Maseco TP. Hồ Chí Minh) tiết lộ rằng, sau lứa cầu thủ xuất sắc như Onuma (1986), Wilawan (1984), Pleumjit (1983), Omporn (1985), Manika (1986), Nootsara (1985)… đã giúp bóng chuyền xứ Chùa Vàng vươn lên đẳng cấp tầm thế giới, thì hiện bóng chuyền trẻ nữ Thái Lan hầu như chẳng giới thiệu gương mặt nào có khả năng tiếp bước sự nghiệp lẫy lừng của các bậc đàn chị. Trong khi ở Việt Nam  khá nhiều vận động viên trẻ có thể hình tốt, đầy triển vọng để có thể bay cao, vươn xa…

Thanh Tùng-Minh Vỹ

.
.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều