Tiêu đề của website

Bóng chuyền nam Việt Nam: Cơ hội chuyển mình

Với những bước tiến lạc quan trong những năm gần đây, bóng chuyền nam Việt Nam đang dần được đầu tư và quan tâm hơn. Sau khi giành “đồng” tại Giải LienvietpostBank 2018 vừa kết thúc cuối tháng 5, bóng chuyền nam sẽ hướng đến mục tiêu chính trong năm nay khi được trở lại đấu trường châu Á.


Bóng chuyền nam Việt Nam đang nỗ lực tìm lại vị trí trong khu vực.

Cũng như một số môn thi đấu tập thể khác, bóng chuyền suốt một thời gian dài không có tên trong nhóm môn được đầu tư trọng điểm do thiếu khả năng tranh chấp thành tích cao ở đấu trường châu lục. Lần gần nhất, tuyển bóng chuyền nam được dự ASIAD là từ năm 2010 (hạng 16 chung cuộc) trong khi tuyển bóng chuyền nữ vắng mặt còn lâu hơn, kể từ năm 2006.

Trong thời gian gần đây, bóng chuyền nam đã thể hiện sự tiến bộ đáng kể, thi đấu tưng bừng và lọt vào đến tứ kết ở Cúp Các CLB nam châu Á 2017 ở Ninh Bình và màn trình diễn không thể ấn tượng hơn tại SEA Games 29 chỉ thiếu chút may mắn, đoàn quân của HLV Phùng Công Hưng đã có thể lần đầu tiên giành được tấm HCV khu vực. Những bước tiến đó khiến nhiều nhà chuyên môn phải thừa nhận nếu được chăm chút hơn, đầu tư bài bản, khoa học bóng chuyền nam thậm chí còn có thể tìm được vị thế xứng đáng ở các giải đấu châu lục chứ không khắc khoải chờ hai năm mới góp mặt ở đấu trường SEA Games một lần.

Sự quan tâm quá đặc biệt cho bóng chuyền nữ cần được thay thế bằng một chiến lược phát triển cân bằng hơn, nhằm nâng tầm bóng chuyền nam. Vì vậy, bên cạnh hai giải đấu quốc tế quan trọng để các “chân dài” tập dượt là VTV9 Bình Điền Cup và VTV Cup, bóng chuyền nam năm nay cũng đã tìm được sân chơi mới cho mình ở Giải LienvietpostBank. Trước đây, đội tuyển nam có Sting Cup để thử sức, nhưng từ khi TP Hồ Chí Minh không còn đăng cai sau năm 2009, các tay đập nam chỉ còn biết trông chờ vào các trận đấu ít ỏi tại Cúp các CLB nam châu Á, vốn chỉ dành cho cấp CLB, nhưng vì đội tuyển thiếu cơ hội cọ xát nên được cử đi thay.

Tại Giải LienvietpostBank 2018, HLV Phùng Công Hưng đã trình làng một thế hệ mới với hàng loạt các gương mặt trẻ tuổi. Thi đấu khởi sắc ở vòng bảng với ba trận thắng đặc biệt là chiến thắng 3-1 trước Thái-Lan, nhưng lại thua tan nát cũng chính đối thủ ở lượt trận bán kết và giành hạng ba khi đánh bại Kazakhstan. Điều này cho thấy đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam còn nhiều vấn đề phải xem lại để hướng đến những mục tiêu dài hơi. Dù có sự trẻ hóa được cho là mạnh mẽ nhất trong 10 năm trở lại đây với nhóm VĐV thuộc thế hệ 9x như: Từ Thanh Thuận, Dương Văn Tiên, Thanh Hải, Đinh Văn Tú, Thanh Tùng, Quản Trọng Nghĩa, Trần Triển Chiêu... Tuy nhiên, do thua kém về kinh nghiệm cũng như tâm lý thi đấu, nên đội hình thi đấu chính thức của đội tuyển nam Việt Nam vẫn luôn được tin tưởng bởi những đàn anh như: Hoàng Văn Phương, Hoàng Thương, Thái Hưng, Xuân Thành, Giang Văn Đức… những người đã chơi không còn sắc sảo như trước do tuổi tác hoặc chấn thương. Có thể thấy, chúng ta vẫn chưa mạnh dạn đổi mới lực lượng, mở ra cơ hội cho các gương mặt trẻ trui rèn chuyên môn và kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Bên cạnh đó, HLV Phùng Công Hưng cũng phải thừa nhận chúng ta vẫn còn rất nhiều nhược điểm, từ khâu chuyền 1, chắn bóng, phòng thủ hàng sau đến các miếng phối hợp tấn công hay thể lực chưa tốt của các VĐV.

Những điều này không quá ngạc nhiên khi mà bóng chuyền nam lâu nay chưa có sự quan tâm và đầu tư như bóng chuyền nữ. Với trình độ hiện tại, cả hai đội tuyển bóng chuyền Việt Nam đều không phải chịu áp lực về thành tích ở ASIAD 18, nhưng đấy được xem như cơ hội cho họ thể hiện khát vọng vươn lên, tạo động lực cho một chiến lược đầu tư mới ở phía trước.


Tác giả:ANH MAINguồn: NHÂN DÂN
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều