Tiêu đề của website

Bóng chuyền hội làng: Có cả “Siêu Cúp” tiền tỷ

Một số giải đấu không khác gì Siêu Cúp QG với kinh phí tổ chức tiền tỷ cùng những khoản thưởng đáng mơ ước của VĐV chuyên nghiệp…


Một số giải đấu không khác gì Siêu Cúp QG với kinh phí tổ chức tiền tỷ cùng những khoản thưởng đáng mơ ước của VĐV chuyên nghiệp…

Kỷ lục 30 giải

Qua mấy năm, nhất là sức hút và thành công  lớn từ nhiều ngôi sao, số giải bóng chuyền tại các hội làng đã tăng chóng mặt, từ chỗ chỉ trên dưới 10 giải giờ lên tới con số 30 và thực sự có tác động tới đời sống bóng chuyền Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên trên các chuyên trang rồi mạng xã hội còn đăng tải đầy đủ lịch, số đội cũng như cập nhập diễn biến, kết quả, hình ảnh tranh tài của các giải đấu hội làng.

Một số giải, nếu nhìn vào các cặp đấu hay những gương mặt tham dự, người ta tưởng như đó là giải Tứ hùng, Tam hùng hay Siêu Cúp QG. Đơn cử hội làng Đồng Hương (Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh) thu hút tới 6 đội bóng, trong đó có 4 “hàng khủng” ở giải VĐQG là Sanest Khánh Hòa, Thể Công, Tràng An Ninh Bình và Biên Phòng. Kèm theo đó là quá nửa các thành viên của ĐTQG với những tên tuổi lừng danh như “Búa máy” Hữu Hà, “Oanh tạc cơ” Văn Kiều, “Sát thủ trên cao” Thanh Thuận hay “người bay” Xuân Thành…

Lần đầu tiên, một giải hội có thể thức giống hệt một giải chính thức của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam khi các đội bóng chia làm 2 bảng đấu đấu loại rồi có 2 trận chung kết. Các trận đấu diễn ra gay cấn, quyết liệt với chất lượng chuyên môn cao. Thậm chí, một đội mạnh như Thể Công còn bị loại ngay từ vòng bảng. Tương tự, hội làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) có 3/4 đội nữ hay nhất Việt Nam là Thông Tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Tiến Nông Thanh Hóa. 

Cơ hội cọ xát cho các đội hàng đầu 

Giờ đây các giải hội làng đã vượt xa tính chất hội hè “vui là chính” để trở thành một cơ hội cọ xát của các CLB. Kể từ khi kết thúc giải VĐQG 2015, các CLB nhất là nam, gần như chỉ tập chay để chuẩn bị cho mùa giải mới sẽ khởi tranh vào tháng 4 tới. Và một cách tự nhiên, nhiều giải hội làng được coi như cơ hội quý báu để họ rà soát lực lượng, cọ xát nâng cao trình độ.

Đơn cử đội Đương kim Á quân Sanest Khánh Hòa của bộ đôi hảo thủ Văn Kiều, Thanh Thuận đã lặn lội ra tận miền Bắc bất chấp khoảng cách địa lý và khác biệt thời tiết. Đội quân phố Biển với lực lượng mạnh nhất đã tranh tài ở 6 giải hội làng, chạm trán đủ các đối tượng khác nhau từ đối thủ hạng mạnh, hạng dưới cho đến phong trào đúng nghĩa.

Như đánh giá của đội trưởng Văn Kiều, qua đó đội đã “có những thu hoạch bổ ích về chuyên môn, có sự chuẩn bị tốt về đội hình, lối chơi, và quan trọng nhất giúp các cầu thủ tích lũy về thể lực, nhịp thi đấu để sẵn sàng bước vào giải VĐQG”. Còn theo tài năng trẻ Thanh Thuận, anh có một “cảm giác hưng phấn kỳ lạ, trong bầu không khí náo nhiệt và tình yêu của khán giả”. Các trận đấu giữa Sanest Khánh Hòa, Thể Công, Tràng An Ninh Bình  hay Biên Phòng rõ ràng là những màn tập dượt tốt về chuyên môn.

Kiếm dễ vài trăm triệu đồng

Trước đây, chỉ có vài cầu thủ về khoác áo các đội bóng làng vì niềm vui, hay đơn giản vì quan hệ với quê hương, rồi có vài triệu tiêu vặt. Thế nhưng khi số giải đấu cùng sự đầu tư, với kinh phí tăng vọt, việc đấu giải hội làng còn mang lại một nguồn thu nhập mới, dù chưa lớn song chẳng hề nhỏ so với mặt bằng chung thu nhập của dân bóng chuyền.

Qua chuyến du đấu tại các hội làng, những đội như nam Sanest Khánh Hòa, Biên Phòng hay nữ Ngân hàng Công thương, Thông tin LienVietPostBank có thể kiếm được từ  200-300 triệu đồng từ tiền thưởng và hỗ trợ của BTC, gấp đôi cả mức 100 triệu nhận được cho ngôi VĐQG. Hiện tại mức thưởng cho các hội làng đang ở mức tối thiểu 20 triệu đồng, tối đa 50 triệu đồng cho nhà vô địch, chưa kể nguồn thưởng riêng từ các Mạnh Thường Quân.

Các ngôi sao như Hữu Hà, Văn Kiều, Thanh Thuận, Phạm Yến… có thể có thêm vài chục triệu đồng. Thậm chí, chỉ với vài cú dứt điểm thành công từ sau vạch 3m tại hội làng Ninh Hiệp, chủ công Phạm Yến đã bỏ túi cả chục triệu đồng từ “thưởng nóng” của một vài khán giả máu mặt.

Giải bóng chuyền hội làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) vào ngày 18 tháng Giêng năm nào cũng có kinh phí tổ chức lên tới nửa tỷ đồng, hoàn toàn do đóng góp của các tập thể, cá nhân. BTC đã trao thưởng 40 triệu đồng cho nhà vô địch nam, 20 triệu đồng cho nhà vô địch nữ.

Tính đến xuân Bính Thân, đội trưởng ĐTQG Nguyễn Hữu Hà - chủ công được mệnh danh “Vua hội làng” đã có 16 mùa liên tục đấu giải hội làng, năm ít cũng phải 3 giải, còn năm nhiều lên tới cả chục.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều