Tiêu đề của website

Bảo hiểm VĐV bóng chuyền, chuyện của ai ?

Việc 720 cầu thủ tại V-League được Công ty VPF tiến hành mua bảo hiểm có thể coi như một bước đột phá của bóng đá Việt Nam. Nhưng cũng chạnh lòng cho hàng ngàn VĐV các môn khác trong đó có hàng trăm VĐV bóng chuyền trong suốt thời gian tập luyện thi đấu đỉnh cao, thậm chí cả lúc giải nghệ vẫn chưa biết đến... cái thẻ bảo hiểm.


Việc 720 cầu thủ tại V-League được Công ty VPF tiến hành mua bảo hiểm có thể coi như một bước đột phá của bóng đá Việt Nam. Nhưng cũng chạnh lòng cho hàng ngàn VĐV các môn khác trong đó có hàng trăm VĐV bóng chuyền trong suốt thời gian tập luyện thi đấu đỉnh cao, thậm chí cả lúc giải nghệ vẫn chưa biết đến... cái thẻ bảo hiểm.

Hiện các VĐV Việt Nam chỉ tham gia bảo hiểm theo hình thức tự nguyện, mức mua bảo hiểm cũng ở khung thấp nhất. Điều này khiến cho mỗi khi gặp tai nạn, mức chi trả của cơ quan bảo hiểm không đáng bao nhiêu so với chi phí điều trị. Có những VĐV bị chấn thương nặng dẫn đến đứt dây chằng gối, dạn xương… phải chữa trị mất hàng chục, đến hàng trăm triệu đồng, nhưng chỉ được thanh toán… 8 triệu đồng trên cơ sở mức mua bảo hiểm của đơn vị chủ quản.

Kim Huệ và Ngọc Hoa là hai trong số rất nhiều VĐV gặp phải chấn thương khá nặng.

Nhưng không phải VĐV nào cũng được như vậy. Theo quy định của ngành thể thao, chỉ các VĐV đã vào biên chế hay hợp đồng dài hạn mới được mua bảo hiểm, trong khi có tới 90% không thuộc diện này do họ đều là VĐV chuyên nghiệp. Thực tế này cho thấy, việc mua bảo hiểm phải xuất phát từ yêu cầu của VĐV và nơi thực hiện phải là đơn vị mà VĐV này đang đầu quân. Đáng sợ hơn, là nhiều VĐV bóng chuyền hiện nay, đến bảo hiểm ý tế cũng không được hưởng do đơn vị chủ quản “tiếc tiền”. Điển hình như Đức Long Gia Lai vẫn thường vỗ ngực tự cho rằng mình là đội bóng nhà giàu nhưng khi được hỏi về việc lâu nay không đóng bảo hiểm cho người lao động (VĐV), đại diện của đội bóng này đã thản nhiên trả lời: “CLB không có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm cho VĐV, hợp đồng lao động ký giữa hai bên không quy định chúng tôi phải đóng bảo hiểm. Thích thì chúng tôi đóng, còn không có thì VĐV tự đi mà đóng bảo hiểm.” Bởi vậy, không ít tuyển thủ và gia đình đã mất cả số tiền chắt bóp nhiều năm, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần để có tiền chữa trị chấn thương.

Bóng chuyền Việt Nam trước đây cũng có 2 trường hợp tên tuổi chấn thương khá nặng và ảnh hưởng trực tiếp tới thành tích của đội bóng là Ngô Văn Kiều (S.Khánh Hòa) và Nguyễn Thị Ngọc Hoa (VTV Bình Điền Long An). May mắn là họ đang đầu quân ở những đội bóng không nề hà chi phí cho VĐV ra nước ngoài phẫu thuật chữa trị dứt điểm nên dù mất hàng trăm triệu đồng nhưng nhà quản lý đều quyết tâm phải đặt con người lên trên hết. Một số trường hợp chấn thương tưởng chừng như phải bỏ cuộc trong đó có Phạm Kim Huệ, nhẹ hơn như Hoàng Văn Phương, Âu Hồng Nhung… Nhưng đây chỉ là số ít, khi ngoài kia còn đó là hàng trăm VĐV bóng chuyền khác sẵn sàng bị bỏ rơi bởi họ chưa có vị thế và tên tuổi.

Chấn thương nặng khiến Hoàng Văn Phương phải làm khán giả tại vòng 2 Giải VĐQG.

Bởi vậy lúc này đây, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Thực tế, ngành thể thao đã rất tích cực vận động các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm cho các HLV, VĐV, trước hết là các tuyển thủ quốc gia theo dạng tài trợ và dài hạn, với mức chi trả phù hợp với đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chỉ nhận hỗ trợ cho đoàn thể thao Việt Nam tại các sự kiện lớn như SEA Games, Asiad hay Olympic chứ không chịu bảo hiểm thường kỳ và dài hạn. Cách duy nhất để cứu giúp những VĐV chẳng may gặp tai nạn là nhờ vào các “quỹ hỗ trợ” với kinh phí được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Thể thao Việt Nam từng có 2 “Quỹ hỗ trợ VĐV” ra mắt rất hoành tráng nhưng rồi biến mất không kèn không trống: một lần vào dịp SEA Games 2003 và lần gần nhất cách đây 2 năm.

Bóng chuyền được coi là môn thể thao chuyên nghiệp về mức độ yêu thích cũng chỉ xếp sau bóng đá, nhưng còn đó là hàng trăm VĐV các cấp độ vẫn chưa được mua bảo hiểm, đang phải đối diện với nguy cơ chấn thương, tai nạn luôn treo lơ lửng trên đầu khi tập luyện, thi đấu thì sao? Liệu thời gian tới họ có được cơ quan, đơn vị mua bảo hiểm hay là… không? Đây là những câu hỏi cần sớm có lời đáp để các chàng trai, cô gái chân dài không bị thiệt thòi khi chẳng may họ luyện tập, thi đấu gặp phải chấn thương, tai nạn!

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều