Tiêu đề của website

Chủ công Lê Quang Khánh đầu quân về TP. Hồ Chí Minh

Bóng chuyền Việt Nam xác định lên sân chơi chuyên nghiệp nên sớm có Quy chế chuyển nhượng vận động viên (Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29-6-2010). Khi Quy chế chuyển nhượng ra đời, nhiều tranh cãi giữa các đội bóng với nhau hoặc giữa VĐV và đội bóng đã từng xảy ra. Nhiều sự vụ, các bên rất muốn vai trò quản lý của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thực thi được quyền lực phân xử, lý do là sau những tranh cãi, đã có VĐV bị cấm thi đấu hoặc kiện nhau ra tòa.


Năm 2010, VĐV kỳ cựu Nguyễn Hữu Hà không giải quyết được việc xin rời khỏi đội bóng chuyền Tràng An Ninh Bình. Do chưa thanh lý được hợp đồng, VĐV Hữu Hà vẫn là người của bóng chuyền Ninh Bình và bị đội này cấm thi đấu một năm. Năm 2011, đội Tràng An Ninh Bình kiện cầu thủ Nguyễn Văn Hạnh ra tòa vì tranh cãi về số tiền bồi hoàn phí đào tạo. VĐV Hạnh đã thua kiện và phải trả lại cho đội bóng nêu trên hơn 400 triệu đồng. Cũng trong năm 2011, Trung tâm Thể dục - Thể thao Long An đã ra quyết định cấm thi đấu trên toàn quốc với VĐV Nguyễn Văn Sang vì cho rằng việc anh chuyển sang thi đấu cho đội Đức Long Gia Lai (cũ) là trái luật. Tuy vậy, VĐV này được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xác nhận chuyển nhượng phù hợp cho nên vẫn được thi đấu. Tương tự như trường hợp của Nguyễn Văn Sang là câu chuyện đi ở của chủ công Từ Thanh Thuận với XSKT Vĩnh Long. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc giấy tờ, hợp đồng của Thanh Thuận với đơn vị chủ quản, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khi đó xác nhận Thuận là VĐV tự do và có quyền ký hợp đồng với bất kỳ CLB nào mà anh muốn.

Chủ công Lê Quang Khánh được tự do.

Mới nhất, bóng chuyền Việt Nam lại có tranh cãi căng thẳng giữa vận động viên (VĐV) với câu lạc bộ. VĐV Lê Quang Khánh mới đây xin thanh lý hợp đồng với câu lạc bộ bóng chuyền nam Long An nhưng không thành công, thậm chí đơn vị này còn lập tức ra quyết định kỷ luật cấm VĐV này thi đấu trên... toàn quốc.

Trường hợp của VĐV bóng chuyền Lê Quang Khánh là vụ việc mới nhất về tranh cãi giữa câu lạc bộ và VĐV. Hồi tháng ba vừa qua, Trung tâm Thể dục-Thể thao Long An đã ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với VĐV Lê Quang Khánh (văn bản do Giám đốc trung tâm Phạm Văn Chương ký). Đáng nói, Trung tâm Thể dục - Thể thao Long An chỉ là đơn vị địa phương nhưng lại ghi rõ ở văn bản là: “cấm vận động viên Lê Quang Khánh tham gia hoạt động bóng chuyền trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 15-3-2017”. Thật ra, ngay từ cuối năm 2016, VĐV Lê Quang Khánh đã bày tỏ ý định muốn thanh lý hợp đồng để tìm hướng chuyển nhượng. Qua tìm hiểu thì được biết, VĐV này muốn thay đổi môi trường và ổn định hơn trong cuộc sống nên hướng đến thi đấu cho bóng chuyền TP Hồ Chí Minh. Tưởng như, câu chuyện của Lê Quang Khánh sẽ mãi không có hồi kết thì mới đây một tin vui đến với Lê Quang Khánh khi anh chính thức được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cấp thẻ thi đấu dưới màu áo đội nam TP. HCM.

Từ câu chuyện của Lê Quang Khánh có thể thấy, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã giải quyết vấn đề trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi của VĐV. Trước nhất là đảm bảo cho Lê Quang Khánh được thi đấu và nếu có tranh chấp, thì lúc này đã ngoài tầm kiểm soát của một tổ chức xã hội như VFV mà phải thông qua tòa án.

Theo chia sẻ, Lê Quang Khánh đã ký hợp đồng với đội nam TP. HCM với thời hạn 3 năm. Do phía đội bóng nam TP. HCM hỗ trợ Lê Quang Khánh về luật sư và các thủ tục liên quan nên số tiền chuyển nhượng không lớn. Ngoài ra, mức lương của Lê Quang Khánh cũng tương đối là 1 tháng 19 triệu đồng.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều