Tiêu đề của website

Văn hóa trên sân bóng chuyền

Một câu chuyện tuy nhỏ, xảy ra đã lâu nhưng luôn tạo kỷ niệm với tay chuyền hai nổi tiếng một thời của dội Seaprodex lừng danh hồi thập niên 90 – thế kỷ 20 và của đội tuyển Quốc gia – ông Nguyễn Văn Hòa, hiện đang là HLV phó đội bóng chuyền nam Maseco TP. Hồ Chí Minh.


Ông Hòa thổ lộ: “Thời chúng tôi còn thi đấu, thầy Điền (cố HLV Phan Phước Điền) thường căn dặn học trò từng li từng tí không chỉ về chuyên môn mà cả về mặt đạo đức thể hiện trên sân. Một lần nọ trong trận thư hùng giữa Seaprodex và Quân Đoàn 4 ở giải VĐQG, sau một pha nỗ lực cứu bóng, tuyển thủ ĐTQG Đào Ngọc Chánh (số 3, QĐ4) chẳng may bị lật cỗ chân. Dù trên sân là đối thủ của nhau nhưng tối hôm đó, thầy Điền đã yêu cầu toàn đội chúng tôi vào tận giường bênh mang theo những tình cảm chân thành của lứa thế hệ “đàn em”, thăm hỏi và tặng một ít quà để chia sẻ nỗi đau với anh Chánh. Không khí lúc nầy thật đầm ấm và mọi người cảm thấy gần gủi nhau hơn bao giờ”.

Các VĐV VTV Bình Điền Long An cúi chào BHL đội bóng Thông tin Liên Việt Postbank.

Hồi đầu năm, tại Giải Bóng chuyền nữ quốc tế Liên Việt Postbank, nhiều người xem Việt Nam đã tận mắt chứng kiến một hình ảnh thú vị nhưng thật cảm động: sau mỗi trận đấu, dù thắng hay thua, các đội bóng như Trẻ Thái Lan, VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương đều sang phần sân đối diện, dàn hàng ngang và đồng loạt cúi chào một cách thành kính trước Ban huấn luyện của đội bạn. Ngược lại, dù chính bên kia sân HLV Nguyễn Tuấn Kiệt là người đào tạo ra Nguyễn Linh Chi, Bùi Thị Ngà, Âu Hồng Nhung… nhưng tuyệt nhiên, dưới sự dè chừng của BHL, các cầu thủ chủ nhà Thông tin tuyệt nhiên coi như không có sự tồn tại của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cùng những cộng sự của ông.

Quay lại trận đấu ngày hôm qua (28/3) giữa Thông tin Liên Việt Postbank và VTV Bình Điền Long An. Dù trọng tài Phạm Trung Nghĩa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với nhiều tình huống xử lý chuẩn xác. Tuy nhiên do đang trong hoàn cảnh có thể thua trắng đối thủ với tỉ số 0-3 đã không ít lần HLV Phạm Văn Long và các cầu thủ Thông tin đã trực tiếp gây áp lực lên các trọng tài.

Linh Chi dù ở hàng sau nhưng cố tình đưa tay lên làm che khuất tầm nhìn đối phương.

Theo quy định, khi xảy ra những tình huống xử lý không rõ ràng, thì chỉ đội trưởng có quyền lên tiếng và yêu cầu trọng tài chính giải thích tình huống và phải dựa trên tinh thần hợp tác và có văn hóa. Thế nhưng, ở trong trận đấu này, mỗi khi trọng tài chính bắt lỗi là ngay lập tức nguyên dàn cầu thủ Thông tin và HLV Phạm Văn Long phản ứng kích liệt. Thậm chí ở điểm số 16 trong sét đấu thứ 4, Nguyễn Linh Chi bị bắt lỗi khi ở hàng sau nhưng lại cố tình đưa tay cản trở tầm nhìn của đối phương. Lúc này Phạm Thị Yến cùng các đồng đội của cô bắt đầu gây áp lực, miệng nói liên tục, tay chỉ trỏ, HLV Phạm Văn Long còn ngang nhiên đứng dậy, miệng nói, tay dơ và yêu cầu Linh Chi vượt mặt các trọng tài để tiến về phía các giám sát phản ứng.

BHL và các VĐV của Thông tin LVPB đã không ít lần cố tình gây áp lực lên giám sát và các trọng tài.

Đáng buồn hơn, ở điểm số 23, ngay sau tình huống bỏ bóng ra ngoài của Trần Tôn Nữ Ly Linh, sau khi phản ứng với trọng tài chính không thành công, VĐV này ngay lập tức quay mặt đi “chửi thề”. Thế nhưng vì có truyền hình trực tiếp nên hành động đó đã không qua được mặt các khán giả. Thậm chí nhiều khán giả còn bức xúc cho biết, đây không phải là lần đầu tiên VĐV này chửi thề ngay trên sóng trực tiếp của truyền hình. Chính vì vậy, khi nhắc đến hành động của Ly Linh là giới làm nghề, trọng tài, khán giả lại nhớ đến hình ảnh một Phạm Văn Long đá ghế, một Phạm Văn Long chửi tục… và hoàn cảnh này lại rất đúng với câu thày nào thì trò nấy.

Rõ ràng, trọng tài bóng chuyền Việt Nam còn khá châm chước, thậm chí có thể rút thẻ với những hành vi thiếu văn hóa theo quy định của luật. Thế nhưng, vượt qua mọi sự phân định về kết quả chuyên môn đơn thuần thường thấy nó còn là giá trị con người, giá trị văn hóa của cả đơn vị, doanh nghiệp chủ quản.

Bóng chuyền Việt Nam đang đi lên chuyên nghiệp, ở tất cả các giải đấu, những biểu hiện về thứ lễ nghi truyền thống của người Á Đông khi mang vào sân chơi thể thao sẽ là một làn gió ấm áp và những hình ảnh đẹp, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa mà những pha bóng hay có khi chưa đủ để giúp tăng thêm độ “thổn thức” của biết bao trái tim người hâm mộ môn bóng chuyền.

Thế nhưng, ngoài sự phát triển về sức mạnh và cơ bắp thì bóng chuyền Việt nam còn không ít vấn đề nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn, rất cần được nghiên cứu học hỏi trên bước đường tiến lên chuyên nghiệp…


Tác giả:ANH TUẤNNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều