Tiêu đề của website

Bên lề các giải bóng bàn phong trào

(HNM) - Những năm gần đây, cùng với tăng trưởng kinh tế, đời sống nâng cao rõ rệt, phong trào tập luyện thể dục thể thao của quần chúng cũng phục hồi và phát triển sâu rộng. Người người thể thao, nhà nhà thể dục, từ thành thị đến…

(HNM) - Những năm gần đây, cùng với tăng trưởng kinh tế, đời sống nâng cao rõ rệt, phong trào tập luyện thể dục thể thao của quần chúng cũng phục hồi và phát triển sâu rộng. Người người thể thao, nhà nhà thể dục, từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các giải đấu thể thao nghiệp dư của các ngành được định hình hai năm một lần. Cấp nhỏ hơn thì năm nào cũng có giải, từ bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, chạy việt dã, cờ tướng, cầu lông…
Khán giả nghiệp dư Bóng bàn nghiệp dư thì giải đa dạng lắm, nào là của địa phương, các ngành từ địa phương đến trung ương, rồi công đoàn, thanh niên, học sinh, sinh viên. Do vị trí Thủ đô nên Hà Nội đương nhiên là nơi tổ chức nhiều giải phong trào nhất. Tuy nhiên, những ngày hội của quần chúng chưa trọn vẹn vì còn những hạt sạn nhỏ.
Đông đảo khán giả ngăn nắp xem giải bóng bàn tranh cúp Báo Hànôịmới lần thứ nhất năm 2012. Ảnh: Bá Hoạt
Giải nào cũng giống như nhiều giải lắm rồi, giải phong trào nào cũng thế, nhà thi đấu nào cũng thế. Khán giả thì thản nhiên bước trên ghế nhựa, gác chân có cả giày, dép lên thành ghế; vô tư hút thuốc; khi ra về thì mặc nhiên để nguyên giấy lót chỗ ngồi. Dù còn rất nhiều chỗ ngồi trên khán đài và có khu vực riêng cho vận động viên nhưng không ít khán giả, cầu thủ chưa đến lượt thi đấu tràn xuống sàn đấu vây quanh dinh chắn bóng. Bàn nào mà trận đấu hay thì lượng người vây quanh dinh càng đông, la hét càng quá cỡ, đủ ngôn từ khi đội nhà ăn điểm. Một buổi đấu, BTC phải nhiều lần dùng loa, thậm chí ra tận nơi yêu cầu các vị này lên khán đài thì vẫn có những vị loanh quanh dưới sàn, có khi còn cự nự cả người nhắc nhở và lúc sau thì đâu lại đóng đó. Ở một bàn đấu thường có ghế bên ngoài dinh cho cầu thủ hay chỉ đạo viên thì các vị này rất tự nhiên ngồi vào ghế đó thậm chí còn lấy cả ghế của Ban tổ chức đem ra ngồi cạnh dinh. Căn bệnh "xuống sàn" này lại thường nặng thêm ở những giải lãnh đạo, bởi nhân viên các sở, ban, ngành đi đông để cổ vũ cho sếp. Lại không ít những vị dép lê loẹt xoẹt thản nhiên đi vào trong dinh chắn ngang qua sàn đang thi đấu để sang phía bên kia, còn nếu sàn mà bàn chưa thi đấu thì "cứ vô tư đi". Chuyện thật như đùa có cả một ông dáng chừng phải trên sáu mươi, ăn mặc ra dáng cán bộ lắm, buổi sáng khi trận đấu sắp bắt đầu thì đi vào sàn đấu nhảy tót lên ghế cao (dành cho trọng tài chính) và bảo người trọng tài ngồi ở phía bên kia bàn: "Anh cứ đếm đi tôi ngồi ở đây", cả ngày ba lần ông băng ngang sàn đấu, bị nhắc nhở thì thản nhiên: "Chưa đánh tôi đi qua thì làm sao!?". Đang thi đấu cũng mặc kệ, các"phó nhòm" nghiệp dư cứ vô tư "bắn" đèn flash vào mặt cầu thủ. Ngôn từ cổ vũ, "chỉ đạo" của khán giả thì thôi rồi, nào là "thịt luộc"; "giết đi"; "thịt đi"; "đập chết ăn thịt"… hoặc kiểu như đánh lừa hay làm đối phương giật mình như "ra ngoài"; "rúc này"; "hỏng này"… Có đội bóng của một sở mà gần như giải ngành nào tổ chức ở Hà Nội cũng có một đội "chân gỗ" với lực lượng đông đảo cổ động viên hò hét inh ỏi, gõ bằng bất cứ thứ gì vớ được và gây áp lực, kích động tâm lý cầu thủ đối phương bằng đủ ngôn từ. Có lần đội này còn mang cả "phong cách" ấy vào tận Khánh Hòa. Chỉ có mấy cầu thủ và vài ba cổ động viên nhân tiện đi nghỉ mát mà làm ầm ĩ cả nhà thi đấu bằng chậu nhựa, xoong nhôm mang theo từ khách sạn. Ban tổ chức giải và khán giả Khánh Hòa chưa thấy cảnh này bao giờ nên nhíu mày, nhăn trán khó chịu… Không biết có phải quá say mê hay ra vẻ ta đây hay không mà không ít khán giả xông ra chỉ đạo cầu thủ thi đấu. Say mê hay ra vẻ thì không bàn, nhưng mà họ xông hẳn vào trong dinh để làm cái việc ấy thì quả là không thể mê được cái văn hóa "Câu lạc bộ thôn" này. Họ không biết rằng ngay cả các cầu thủ chưa được gọi vào thi đấu cũng không được phép vào bàn khởi động (cho dù có bàn trống) khi đang diễn ra các trận đấu!? Cầu thủ cũng quên luật Cầu thủ thì cũng không ít chuyện! Từ việc đăng ký thi đấu rồi có một tá lý do để bỏ cuộc. "Cây nhà lá vườn" nhất là cầu thủ đăng ký thi đấu đã được bốc thăm thì ngày thi đấu cơ quan "xin thay" bằng người khác với đủ mọi lý do. Đến thi đấu muộn giờ để Ban tổ chức phải nhờ người cơ quan, người quen gọi. Để giữ phong trào nhiều khi BTC phải đôn trận sau lên trước vì cầu thủ trận trước… chưa đến. Đến muộn nên vào giờ thi đấu vẫn chưa kịp khởi động và có không ít cầu thủ khi BTC phát loa yêu cầu ngừng khởi động trên các bàn vẫn coi như không nghe thấy gì!? Hình như người ta dạy bóng bàn mà không dạy phương ngôn "Tiên học lễ, hậu học văn" nên rất nhiều cầu thủ dù đã thi đấu nhiều giải cũng không biết những quy định tối thiểu của Luật Bóng bàn, tư cách thì có nhiều điều đáng chê trách. Mười cầu thủ khi được gọi tên vào bàn thi đấu thì có đến chín câu đầu tiên là "Chú cho cháu mượn quả bóng (để khởi động), mà không biết rằng thủ tục trước tiên (theo hiệu lệnh của trọng tài) là hai cầu thủ bắt tay nhau, bắt tay trọng tài là phong cách văn hóa tối thiểu (cũng được Luật Bóng bàn quy định) trước khi so tài... Cầu thủ đem vợt rách mặt, vợt vá mặt, vợt hai mặt cùng màu hay các loại khác vợt sai quy định của ITTF ra thi đấu, hỏi thì bảo không biết; hỏi chỉ đạo viên cũng không biết những loại vợt này là không được phép thi đấu theo quy định của Luật Bóng bàn. Đã có những cầu thủ đánh hay hơn đối thủ nhưng bị thua vì phải đổi vợt khác khi bên kia không chấp nhận cho đánh bằng vợt sai quy cách!? Rất nhiều cầu thủ không biết rằng trong suốt trận đấu chỉ được phép xin dừng trận đấu để nghe chỉ đạo một lần, nên khi xin dừng trận đấu lần thứ hai không được thì cự nự. Một cầu thủ (tốt nghiệp khoa bóng bàn Đại học TDTT Từ Sơn hẳn hoi) vào bàn trống khởi động trong khi các trận đấu đang diễn ra trên các bàn khác, bị trọng tài yêu cầu ra khỏi sàn đấu thì vô tư cãi trọng tài mà không biết rằng khi có trận đấu đang diễn ra thì không được phép khởi động dù có bàn trống. Có một giải sinh viên các trường đại học, trên bàn đang diễn ra trận đấu đơn nam. Theo luật thì chỉ có một người được ngồi ghế chỉ đạo viên, nhưng cả đội bóng năm sáu người đứng, ngồi bên dinh chỉ đạo, hò hét. Trọng tài mấy lần yêu cầu họ lên khán đài - trừ chỉ đạo viên - thì họ lơ đi. Khi trọng tài cho dừng trận đấu để tỏ thái độ kiên quyết thì họ bảo trọng tài "lắm chuyện". Trước đây không thấy, nay thì các cầu thủ vào bàn đấu xách cả túi tư trang to tướng vào theo mà không biết rằng Luật Bóng bàn không cho phép (trong sàn đấu chỉ được phép để khăn mặt và dụng cụ đựng khăn). Ý thức nơi công cộng so với khán giả quả là "kỳ phùng địch thủ", trước giờ đấu khi các cầu thủ hết thời gian khởi động thì nhà thi đấu như bãi chiến trường: Dinh, ghế ngổn ngang, vỏ chai nước, giấy kẹo, giấy ăn, túi nilon… vung vãi. Một cầu thủ chuyên nghiệp đã cao tuổi được đội bóng nọ thuê huấn luyện và chỉ đạo thi đấu. Anh này để lại ấn tượng xấu với các chiêu "tiểu xảo" để dừng trận đấu, gây "tâm lý" cho đối phương vào những thời điểm đội nhà bị dẫn. Không ít lần anh ta khiếu nại sai luật, đôi co với BTC dù biết theo luật thì chỉ có đội trưởng (khi thi đấu đồng đội) và cầu thủ đang thi đấu cá nhân mới được quyền khiếu nại. Nhiều khán giả nghi ngờ anh ta là "tác giả" của đội quân "chân gỗ". Văng tục, chửi thề là bệnh nặng ở không ít cầu thủ khi tự mình đánh hỏng hay đối thủ đánh nhanh, mạnh quá không chống được. Trọng tài nhắc nhở thì chối hoặc thản nhiên buông câu: "Phong trào ấy mà". Một cầu thủ (người viết biết chắc là sinh viên) chỉ đạo đồng đội: "Đánh vào bụng nó". Khổ nỗi đối phương đã khoảng trên 50 tuổi, ông này nghe thấy nên xin phép trọng tài dừng trận đấu, đến gần "chỉ đạo viên" nhỏ nhẹ: "Cháu nói đánh vào bụng người ta cũng là một câu!?". Anh chàng sượng chín mặt, lắp bắp xin lỗi cháu quen mồm và một lúc sau thì lỉnh đi chỗ khác. (Còn tiếp)

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều