Tiêu đề của website

Học được sự chuyên nghiệp từ đối thủ

Ngay khi tuyển nữ Việt Nam có thắng lợi kịch tính trước Nhật Bản, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Nguyễn Bá Nghị. Ở góc độ người làm chuyên môn, đó là thắng lợi đáng ghi…

Ngay khi tuyển nữ Việt Nam có thắng lợi kịch tính trước Nhật Bản, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Nguyễn Bá Nghị. Ở góc độ người làm chuyên môn, đó là thắng lợi đáng ghi nhận nhưng ông Nghị cũng có nhiều phân tích xác đáng…
* Phóng viên: Thắng Nhật Bản quả là một bất ngờ, riêng cá nhân ông đánh giá thế nào?* Ông Nguyễn Bá Nghị: Tôi cũng bất ngờ đối với chiến thắng này. Chiến thắng phản ánh nỗ lực rất lớn của tập thể HLV, VĐV tuyển nữ Việt Nam dù đa số thành phần cầu thủ đều là các khuôn mặt quen thuộc như Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Xuân… Tuy nhiên, tôi nhận thấy chiến thắng này cũng có phần nào do đội tuyển Nhật Bản chủ yếu đưa thành phần VĐV trẻ ra sân. Đáng chú ý là cây chuyền 2 kỳ cựu vừa giành HCĐ ở Olympic 2012 của họ đã giã từ đội tuyển, không góp mặt.
Nguyễn Thị Hoa (trái) trong trận thắng Nhật Bản 3-2. Ảnh: CTV
* Rõ ràng, chưa thể nói chúng ta thắng Nhật Bản nghĩa là bóng chuyền nữ chúng ta đã mạnh. Qua theo dõi sát sao về chuyên môn, đội tuyển cần hoàn thiện hơn những vấn đề gì nữa?
* Đúng vậy, việc bất ngờ này không thể cho rằng bóng chuyền nữ Việt Nam đã vươn tới tầm khu vực châu Á, thậm chí tại khu vực Đông Nam Á chúng ta vẫn chưa thể vượt qua được đối thủ chính Thái Lan. Do đó, bóng chuyền nữ cần phải sớm đào tạo một thế hệ VĐV mới để kịp thời kế cận số cầu thủ đã có tuổi. Về chuyên môn, chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn về hệ thống bắt bước 1, phòng thủ và khả năng tư duy phán đoán vì đa số các VĐV trẻ của Việt Nam đang rất yếu các khâu này.* Đây là đội hình mới cả về ban huấn luyện cũng như có đan xen già - trẻ kể từ khi tập trung, nhưng thực tế đội bóng vẫn phải cậy nhờ vào đội hình chính gồm nhiều cựu binh như Hà Thị Hoa, Phạm Thị Yến, Kim Huệ. Phải chăng lớp trẻ vẫn chưa đủ năng lực kế cận?* Thật sự mà nói nếu chúng ta vẫn mạnh dạn đan xen giữa cầu thủ có kinh nghiệm kết hợp với một số gương mặt trẻ ra sân sẽ giúp cho các VĐV trẻ có được cơ hội rất quý báu để học hỏi, dù có thể thua trận. Cầu thủ trẻ rất cần môi trường thi đấu và khả năng phối hợp và học được những miếng đánh ngay từ chính đối thủ trên sân. Tuy vậy, tôi cũng không phủ nhận sự cố gắng của các VĐV kỳ cựu khi họ đã và đang hết mình đóng góp cho đội tuyển qua trận thắng này. Tất cả đều do việc thực hiện chiến lược, chiến thuật của ban huấn luyện. Tôi cho rằng, áp lực về thành tích cũng phần nào ảnh hưởng tới ban huấn luyện vì với các giải châu Á là cuộc chơi cũng quá tầm, chúng ta cần mạnh dạn để đan xen VĐV già - trẻ thì chắc chắn có nhiều gương mặt trẻ tốt hơn.* Thi đấu với nhiều lối đánh khác nhau từ Trung Quốc tới Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta sẽ có bài học quý giá gì?* Đó là tính chuyên nghiệp. Từ khâu khởi động, tinh thần thi đấu tới kỷ luật đoàn kết. Đó là chưa nói về chuyên môn như hệ thống bắt bước 1, phòng thủ và tấn công của họ. Bởi, VĐV ở nền bóng chuyền phát triển đều chấp hành rất nghiêm túc theo sự chỉ đạo của BHL, qua đó cho thấy họ được đào tạo một cách căn bản từ tuyến trẻ nhằm phấn đấu được đứng vào đội tuyển.* Cúp châu Á là cuộc tập dượt hoàn hảo cho VĐV, nhưng mục tiêu chính của bóng chuyền nữ vẫn là vị trí cao nhất ở SEA Games. Với đội hình và những con người hiện tại, theo ông, chúng ta có bao nhiêu % để thắng Thái Lan tại SEA Games năm sau?* Như tôi đã khẳng định, mục tiêu chính của bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn là phấn đấu vượt qua được Thái Lan. Nhưng khó! Với lực lượng thế hệ vàng hiện nay của nữ Thái Lan, ít nhất phải 2 kỳ SEA Games nữa chúng ta mới hy vọng tiếp cận gần họ. Nếu ngay từ bây giờ, bóng chuyền nữ Việt Nam không có chiến lược đầu tư đào tạo VĐV trẻ cho đội tuyển một cách bài bản lâu dài như mời chuyên gia hoặc gởi tập huấn dài hạn tại nước ngoài, đồng thời phải gọi được các VĐV ưu tú cho đội tuyển thì chưa thể có lực lượng mạnh bổ sung cho tuyến ĐTQG.
MINH CHIẾN (thực hiện)
Bất ngờ vừa phải Đội tuyển nữ Việt Nam vừa có chiến thắng 3-2 (20/25, 25/23, 17/25, 25/13, 17/15) trước á quân châu Á, HCĐ Olympic và hạng 3 thế giới đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, trận thắng này được đánh giá là thắng lợi mang tính tinh thần hơn là yếu tố chuyên môn. Trên thực tế, Nhật Bản chỉ đem đến giải đội hình 2, trong khi đội hình 1 vừa đoạt HCĐ Olympic sẽ tham gia giải vô địch bóng chuyền châu Á (Việt Nam cũng tham gia) vào đầu tháng 10 tới.Cúp bóng chuyền châu Á lần thứ 3-2012 được tổ chức tại Kazakhstan từ ngày 10 đến 16-9, quy tụ 8 đội hàng đầu châu Á, Việt Nam tham gia với tư cách là đội hạng 8 của giải vô địch châu Á năm 2011 (tổ chức tại Việt Nam), được xem là sân chơi hạng 2 trước khi giải vô địch châu Á khởi tranh. Tuy vậy, những đội như Trung Quốc (hiện xếp hạng 2 châu Á) vẫn đưa đến đây đội hình mạnh nhất của mình. Tuy nhiên, do thể thức thi đấu nên nhiều khả năng cả Nhật Bản và Hàn Quốc (ở bảng A) đều không nỗ lực ở lượt trận cuối vòng bảng để đứng hạng 3, qua đó vào tứ kết chỉ gặp đối thủ nhẹ (Nhật Bản gặp Đài Loan còn Hàn Quốc gặp Việt Nam). Vì vậy, dù Việt Nam vừa có chiến thắng mang tính lịch sử trước Nhật Bản nhưng kết quả đó chưa phản ảnh hết thực chất của giải đấu này. Riêng với cá nhân chủ công Nguyễn Thị Hoa, cô đã chơi rất xuất sắc khi tạm đứng hạng 3 trong danh sách ghi điểm, hạng 5 ở danh sách bỏ nhỏ và chắn bóng. T.O.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin
Hà Thị Hoa

Hà Thị Hoa

Ngày sinh: 16/05/1984
Quê quán: Hải Phòng
CLB: Ngân hàng Công thương
Vị trí: Chuyền hai
Số áo: 3
Tiêu điểm
Xem nhiều