Tiêu đề của website

Giấc mơ của Thúy

Từng thần tượng người đàn chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa cả về tài năng, đạo đức cũng như tư chất thủ lĩnh. Trần Thị Thanh Thúy đã từng có một giấc mơ với mong muốn được xuất ngoại, muốn được thành công giống như người đàn chị của mình. Và ngày 4/1 tới đây, Trần Thị Thanh Thúy chính thức biến giấc mơ của mình thành hiện thực khi với tư cách là VĐV bóng chuyền trẻ tuổi nhất được vinh dự thi đấu cho một CLB khác tại nước ngoài.


Từng thần tượng người đàn chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa cả về tài năng, đạo đức cũng như tư chất thủ lĩnh. Trần Thị Thanh Thúy đã từng có một giấc mơ với mong muốn được xuất ngoại, muốn được thành công giống như người đàn chị của mình. Vào ngày 4/1 tới đây, Trần Thị Thanh Thúy chính thức biến giấc mơ của mình thành hiện thực khi với tư cách là VĐV bóng chuyền trẻ tuổi nhất được vinh dự thi đấu cho một CLB khác tại nước ngoài.

Trần Thị Thanh Thúy hồn nhiên ở tuổi 18.

Đây rõ ràng là một cơ hội lớn để tài năng trẻ được kỳ vọng của bóng chuyền nữ Việt Nam phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm... khi Bangkok Glass được đánh giá là một trong những CLB bóng chuyền hàng đầu tại châu Á (đương kim vô địch Giải bóng chuyền Các CLB nữ châu Á 2015).

Sang đội bóng mới, Thanh Thúy sẽ không hoàn toàn bỡ ngỡ bởi ngoài Ngọc Hoa cô còn tái ngộ ông thầy cũ Aphisak, người trước đây góp phần đáng kể để đào tạo nên chủ công tài năng này ở đội trẻ VTV Bình Điền Long An.

Trong những năm gần đây, Thanh Thúy được đánh giá là một trong những VĐV có thể giúp bóng chuyền Việt Nam tiến đến những mục tiêu xa hơn. Được Bình Điền Long An phát hiện từ cách đây 5 năm trong cuộc tuyển quân, các nhà tuyển trạch lúc đó mừng như bắt được vàng bởi khi ấy mới gần 13 tuổi Thanh Thúy đã cao tới 1m78. Không chỉ có chiều cao, các chỉ số khác về sải tay, sức mạnh… của Thanh Thúy cũng rất ấn tượng. Mới đây khi được hỏi một câu hỏi cá nhân rằng cô đã cao lên bao nhiêu so với lần dự VTV Cup 2015, Thanh Thúy trả lời hiện cô đang có chiều cao 1m90, tức nhỉnh hơn so với chiều cao 1m89 của cô cách đây một năm.

Sinh ra trong một gia đình có ba mẹ là viên chức, quyết định cho con đi theo nghiệp thể thao với họ tất nhiên không phải là dễ dàng. “Bố mẹ e luôn khuyên e rằng, con đã chọn con đường này thì hãy cố gắng hết mình.” Thanh Thúy chia sẻ.

Cũng theo thông tin từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam: kể từ mùa giải 2016, chủ công Trần Thị Thanh Thúy sẽ gia nhập CLB Bangkok Glass - đội bóng đang là ĐKVĐ của Thái Lan và châu Á. Việc Thanh Thúy gia nhập Bangkok Glass là 1 tin vui với bóng chuyền nước nhà, và tất cả đều hy vọng cô sẽ tạo nên một bước đột phá mới trong sự nghiệp của mình.

Vì thi đấu theo thể thức League nên 1 tuần Thúy chỉ thi đấu 1 trận và có những khi là 2 tuần/trận, lại được đứng trong đội hình Bangkok Glass tại Thai League, Thanh Thúy không chỉ có nhiệm vụ là thi đấu mà đây còn là môi trường tốt để Thúy tập huấn, được luyện tập với đội ngũ quân xanh với trình độ cao như Pleumjit hay Pornpun cùng ông thầy được đánh giá là HLV xuất sắc của Thái Lan mùa bóng 2015.

Video Trần Thị Thanh Thúy do VTV thực hiện.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt – đội bóng Ngân hàng Công thương chia sẻ: “Ở Việt Nam VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp thường đến các trung tâm tập luyện bắt đầu ở tuổi từ 12-14, thậm chí một số trường hợp còn muộn hơn. Trong 2 năm đầu tiên, VĐV phải luyện tập các kỹ thuật cơ bản như: làm quen với bóng, tạo hình tay, di chuyển, chuyền, đệm, phát, tấn công đơn giản... việc rèn luyện các kỹ thuật nhỏ càng chuẩn, thì tầm chuyên môn về sau của VĐV càng phát triển ở đỉnh cao hơn. Sau hai năm, là khoảng thời gian VĐV bắt đầu được làm quen với các kỹ thuật nâng cao, nghiên cứu sâu các kỹ chiến thuật, ở lứa tuổi này VĐV sẽ được cọ xát với các đối thủ ngang tầm để tránh việc bị sốc. Trung bình ở tuổi 18 VĐV phải tiếp tục được rèn luyện các bài tập nâng cao kỹ chiến thuật cũng như thể lực, đồng thời phải được cọ xát thường xuyên để ổn định tâm lý thi đấu. Sau vài mùa thi đấu cọ xát liên tục như vậy, VĐV sẽ dần trưởng thành để đạt được trình độ kỹ năng, kỹ xảo. Với các VĐV nữ độ chín sẽ bước vào tuổi 22, còn đối với VĐV nam có thể muộn hơn. Ngoài ra do văn hóa và phong tục tập quán, các VĐV nữ thường lập gia đình ở độ tuổi 25-27, nên việc thi đấu đỉnh cao, phương pháp tập luyện cũng cần phải có những tính toán hợp lí. Với trường hợp của Trần Thị Thanh Thúy được tập luyện, thi đấu tại Thái Lan ở thời điểm này là vô cùng hợp lý bởi đây đang là giai đoạn Thúy đang phát triển nhanh về chuyên môn. Ở Thái tôi quan sát có rất nhiều VĐV còn trẻ hơn Thúy như Chatchu đã thi đấu rất chững chạc tại Thai League. Đây thực sự là cơ hội tốt đối với Thanh Thúy và là một tín hiệu vui với bóng chuyền Việt Nam.”

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều